Đại lễ Phật Đản được nhiều người ‘mặc định’ là 15.4 âm lịch, tuy nhiên, một số quốc gia lại chọn ngày 8.4 âm lịch để tổ chức lễ. Vậy ngày nào mới chính xác, ý nghĩa Đại lễ Phật Đản là gì?
Đại lễ Phật Đản là một trong những lễ hội văn hóa, tâm linh lớn của Phật tử. Đây là ngày kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được sinh ra ở thế kỷ thứ VII trước công nguyên trong hình hài của một nhân vật lịch sử.
Đại lễ Phật Đản ngày nào?
Đại đức Thích Minh Phú, trụ trì chùa Tường Nguyên (TP.HCM) cho biết, Phật Đản là ngày Đức Phật thị hiện nơi trần thế. Trước kia, các quốc gia theo truyền thống Bắc Tông (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) sẽ tổ chức lễ Phật Đản vào ngày 8.4 âm lịch.
Các quốc gia theo truyền thống Nam Tông sẽ tổ chức vào ngày 15.4 (rằm tháng tư âm lịch). Tuy nhiên tại Đại hội Phật giáo thế giới tổ chức lần đầu tiên tại Tích Lan vào năm 1950, 26 phái đoàn Phật giáo các nước thành viên đã thống nhất chọn ngày rằm tháng tư âm lịch hằng năm làm ngày Phật Đản quốc tế.
Đại đức Thích Minh Phú nói thêm, từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15.4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba đại lễ hợp thành Lễ Tam hợp được Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).
Do đó, hiện nay, tại nước ta, một số tự viện tổ chức lễ Phật Đản theo Phật Đản quốc tế nhưng cũng có một số tự viện tổ chức lễ Phật Đản theo truyền thống xưa, tức tổ chức vào ngày 8.4 âm lịch.
Thượng tọa Thích Tâm Hải, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự, Trưởng ban Thông tin – Truyền thông GHPGVN TP.HCM cũng cho hay, Đức Phật đản sinh vào ngày trăng tròn tháng Vesak (hay Vaiśākha) theo lịch pháp Ấn Độ cổ đại, tương đương với tháng rằm tháng tư âm lịch, tháng 5 tây lịch.
Do vậy, thông thường Đại lễ Phật Đản được tổ chức trong 1 tuần. Ở Việt Nam cũng tổ chức trong 1 tuần, bắt đầu từ ngày mùng 8.4 cho đến rằm tháng tư âm lịch.
Chùa Phước Viên tổng hợp