"Không làm mọi điều ác Thành tựu các hạnh lành Tâm ý giữ trong sạch Chính lời chư Phật dạy" (Kinh Pháp cú, câu 183)

Khóa tu “Ngày An Lạc”: TT.Thích Đức Trường giảng về “Thọ ký Bồ-đề”

Sáng 02/6/2024 (26/4/Giáp Thìn), nhân khóa tu “Ngày An lạc” tổ chức thường niên tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), TT.Thích Đức Trường đã có buổi thuyết giảng “Kinh Đại thừa Vô lượng thọ”, phẩm thứ 44 “Thọ ký Bồ-đề”.

Trong phẩm này, trước hết là nói đến việc thuyết pháp được lợi ích; tiếp đó nói: Do chẳng nghe nên bị thoái chuyển và khuyên nên giảng thuyết cho người khác. Cuối cùng là thọ ký Bồ-đề.

Mỗi chúng ta đến với cuộc đời này là do nhân quả, nghiệp báo và ra đi cũng do nhân quả, nghiệp báo. Mọi sự mọi việc xảy ra trong cuộc sống của chúng ta đều do nhân quả vận hành, chi phối. Người không hiểu về nhân quả, thường tự trách ông trời, trách số phận khi trong cuộc sống xảy ra những điều bất như ý.

Lời kinh chép “lúc chánh pháp diệt” ý chỉ chung hai thời Tượng Pháp và Mạt Pháp. Hiện tại là thời Mạt Pháp, chúng sanh trong lúc này thiện căn kém xa thời trước, nhưng có kẻ trong quá khứ tu nhiều công đức, kiếp trước từng cúng Phật, niệm Phật nên bảo là “trồng các căn lành, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật”.

Kế đấy, Đức Từ Tôn lại khuyên khắp tất cả mọi người hãy nên đoạn nghi sanh tín. Nếu muốn thuyết pháp lợi người thì trước hết tự mình phải đoạn sạch mối nghi. Kinh dạy: Hễ cầu pháp này “đều được lợi lành”; vì thế phải nên “an trụ vào không nghi”, thật thà trì niệm, chớ sanh nghi hoặc, phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm. Ấy là cội rễ của các điều thiện. Phải nên vâng giữ cương tông ấy, an trụ trong pháp như thế “nên thường tu tập khiến cho không bị nghi trệ”. Ấy là vì nếu nghi căn (gốc rễ ngờ vực) chưa đoạn, nó sẽ trở thành tội căn. Muốn đoạn nghi căn phải biết phương tiện. Nghi hoặc chẳng đoạn chỉ là do huệ tâm chưa sáng tỏ. Huệ tâm chưa sáng tỏ chỉ vì tam cấu (tham, sân, si) chướng sâu.

Niệm Phật tam-muội trừ được hết thảy các chướng tham, sân, si trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Cấu (phiền não) hết thì sự sáng suốt sẽ phát sanh nên không bị vướng mắc vì nghi hoặc.

Hơn nữa, pháp môn Niệm Phật thích ứng khắp cả ba căn, là đường tắt nhất trong các đường tắt. Nếu chẳng nghe biết pháp này thì khó bề phổ độ hữu tình mau thoát sanh tử hòng viên mãn hạnh lợi tha. Tự thân họ lại phải dò dẫm trên con đường hiểm trở, khó khăn, dẫn dắt chúng sanh sa vào con đường hầm bẫy, chẳng khế hợp với phương tiện của đức Như Lai nên khó nhập được Nhất Thừa nguyện hải. Vì thế mới có một ức Bồ Tát do chẳng nghe pháp này nên bị thoái chuyển nơi vô thượng Bồ Ðề.

Ðức Thế Tôn muốn khiến cho hết thảy phàm thánh đều được nghe kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác này nên khuyên mọi người phải biên chép, cúng dường, đọc tụng, tin nhận, phụng hành, lại còn phải lưu truyền nữa.

Phật huyền ký người ấy vào lúc lâm chung, dẫu cho cả tam thiên đại thiên thế giới này đều bị Kiếp Hỏa nung đốt thì người ấy vẫn vượt qua được để vãng sanh về cõi Cực Lạc. Do sức công đức trì tụng, giảng nói kinh này và được sức oai thần của thập phương Như Lai gia bị nên dầu cả thế giới Kiếp Hỏa đang cháy rừng rực, trăm ngàn thứ đều tiêu tan hết, người ấy vẫn an ổn, tự tại, thong dong vãng sanh như trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện (Kinh Hoa Nghiêm) đã nói: “Chỉ có mỗi nguyện vương này chẳng hề bỏ lìa. Trong hết thảy thời nó thường dẫn đường đằng trước. Trong khoảng sát-na, liền được vãng sanh Cực Lạc thế giới”.

Phật lại thọ ký rằng: “Người ấy đã từng gặp gỡ các đức Phật quá khứ, được thọ ký Bồ-đề”. Phật ấn chứng những người như thế đều là người trong quá khứ đã từng ở trước chư Phật được thọ ký Bồ-đề, đều sẽ thành Phật, lại còn được “hết thảy Như Lai cùng khen ngợi”. Cuối cùng, Phật khuyên khắp đại chúng nên “chuyên tâm tin nhận, trì tụng, giảng nói, tu tập”.

Hình ảnh tại buổi giảng:

Nguồn: Sen Vàng OnlineTV