"Không làm mọi điều ác Thành tựu các hạnh lành Tâm ý giữ trong sạch Chính lời chư Phật dạy" (Kinh Pháp cú, câu 183)

Khóa tu “Ngày An Lạc”: HT.Thích Nhật Hỷ giảng về việc kiên trì tu tập

Sáng 23/6/2024 (18/5/Giáp Thìn), nhân khóa tu “Ngày An lạc” tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), HT.Thích Nhựt Hỷ – Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM, đã có buổi thuyết giảng Kinh Vô Lượng Thọ, phẩm thứ 46: “Cần tu Kiên trì“.

Trong phẩm này, Đức Thế Tôn phó chúc đại chúng thủ hộ kinh này, rồi lại dạy nên cứu giúp chúng sanh; kế đó dạy hạnh phải tương ứng với tín giải để cầu sanh Tịnh Ðộ.

Thế Tôn ân cần trân trọng phó chúc như thế vì chỉ có pháp này mới có thể ban cho chúng sanh cái lợi chân thật. Bởi thế, Phật dặn dò các vị đại sĩ thủ hộ phải làm đèn sáng cho hết thảy chúng sanh trong biển sanh tử, dẫn dắt chúng sanh vượt qua biển khổ nên bảo là “trường dạ lợi ích” (tạo lợi ích trong đêm dài). Nhờ vào diệu pháp này nên các loài chúng sanh chóng lìa được sanh tử, chẳng đọa vào năm đường, khỏi chịu các khổ. Vì thế, Phật phó chúc các vị như Di Lặc phải hộ trì kinh này.

Ðể pháp được tồn tại lâu dài thì phải “đương kiên trì chi, vô đắc hủy thất, vô đắc vi vọng, tăng giảm kinh pháp” (hãy nên gìn giữ vững, không được hủy hoại, đánh mất, không được làm quấy tăng giảm kinh pháp); ấy là vì: Nói ra ngoài kinh một chữ thì có khác gì ma nói?

Thế Tôn bi tâm vô lượng, nhiếp trọn hết không sót nên luôn luôn khuyên trì niệm kinh này. Ðức Thế Tôn cực lực khuyên nên trì niệm kinh này vì kinh này dạy vô thượng đại pháp Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh. Hành nhân chỉ cần phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm thì ắt được vãng sanh, muôn người tu muôn người được vãng sanh. Bởi đó, hành nhân thọ trì kinh này ắt phải nên phụng hành đúng theo lời dạy, theo đúng lời Phật dạy, thật sự vì sanh tử phát bồ đề tâm, tin sâu, nguyện thiết, trì danh hiệu Phật.

Do đó, nói một cách rốt ráo thì “thường niệm bất tuyệt” chính là niệm một câu danh hiệu này! “Bất tuyệt” là tịnh niệm tiếp nối. Hành nhân nếu thật sự phát tâm chân thật, niệm Phật chuyên ròng, chỉ giữ mỗi câu Phật hiệu này cho luôn liên tục trong mọi niệm thì nhất định “như nhiễm hương nhân, thân hữu hương khí” (như người nhiễm hương, thân có mùi hương). Lúc lâm chung, Phật đến tiếp dẫn, từ bi gia hựu khiến tâm chẳng loạn, quyết được vãng sanh, chứng lên Bất Thoái, sanh trọn vẹn cả bốn cõi Tịnh Ðộ, rốt ráo Niết-bàn.

Vì thế, Phật từ bi khai thị: “Thường niệm chẳng dứt thì đắc đạo nhanh chóng” là nhanh chóng, mau lẹ, chẳng hạn như là con đường đi tắt cho nhanh. Ở đây, ý nói: Một pháp Trì Danh là đường tắt tu hành, trì danh ròng chắc thì đắc đạo rất nhanh chóng. Ðó là do pháp Trì Danh đây lấy tâm này làm Phật, tâm này là Phật, lấy Quả Giác làm nhân để phát tâm nên đắc đạo nhanh chóng. Ấy chỉ vì pháp Trì Danh Niệm Phật đây phát xuất từ chính bổn nguyện lớn lao của Phật Di Ðà nên thực hiện thật dễ dàng, thành tựu rất dễ dàng. Bởi thế, nó được gọi là pháp dễ hành, được xưng tụng là con đường tắt nhất trong các con đường tắt.

Rõ ràng là mỗi một chữ trong kinh đều từ Như Lai tánh hải đại quang minh tạng tự nhiên biến hiện ra, mỗi một chữ đều thật sự chứa đựng vô biên diệu lý, mỗi một chữ đều được tánh đức và tu đức của Phật Di Ðà trang nghiêm, mỗi mỗi chữ đều nhằm khai thị Phật tri kiến cho bọn ta. Lời chỉ dạy từ mẫn “thường niệm chẳng dứt thì đắc đạo nhanh chóng” chính là do đức Như Lai xứng hợp theo tánh mà thốt ra, là những lời được tâm ấn của Phật in dấu, đều là lời đúng lý do đấng Ðại Từ Bi Phụ dạy ra. Vì thế, ta phải nên chí thành tin nhận, trong hết thảy thời, hết thảy chốn thường niệm A Di Ðà Phật.

Nếu đối với pháp khó gặp gỡ, khó chỉ dạy này, tuy đã được gặp, được nghe, mà chẳng sanh lòng tin sâu thì dẫu nghe có ích gì, trọn vẫn là nghi ngờ. Còn may mắn mà tin tưởng sâu xa vào kinh này thì thật là một dịp hy hữu, khó gặp trong cả vạn kiếp ngàn đời; cho nên phải siêng tu hành, thường niệm chẳng dứt. Chỉ cần có thể tín nguyện trì danh ắt sẽ nhanh chóng đắc đạo.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

Nguồn: Sen Vàng OnlineTV