"Không làm mọi điều ác Thành tựu các hạnh lành Tâm ý giữ trong sạch Chính lời chư Phật dạy" (Kinh Pháp cú, câu 183)

Khóa tu “Ngày An Lạc”: TT.Thích Thiện Xuân giảng về “Phước huệ được nghe” trong kinh Vô Lượng Thọ

Sáng 30/6/2024 (25/5/Giáp Thìn), nhân khóa tu “Ngày an lạc” tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), TT.Thích Thiện Xuân – Phó Ban Từ thiện Xã hội T.Ư, Trụ trì Tu Viện Linh Thứu (huyện Củ Chi) đã có buổi thuyết giảng kinh Vô Lượng Thọ, phẩm thứ 47 “Phước huệ được nghe“.

Trong phẩm này, Đức Thế Tôn dùng kệ tụng để trùng tuyên ý của phẩm trước. Trong phần kệ tụng này, Ngài lại nhắc lại điều sai, lẽ đúng, bác cái sai, đề cao cái đúng. Trong phần chỉ rõ cái đúng, lại gồm có ba phần: Một là tin vào vãng sanh; hai là Phật trí khó nghĩ lường; ba là niệm Phật đắc độ.

Như trong kinh đã dạy: Nếu có chúng sanh trồng các cội lành, đã từng cúng dường Vô Lượng Thọ Phật, do oai lực của Đức Như Lai ấy gia bị, nên mới được pháp môn rộng lớn như thế này nhiếp thủ, thọ trì. Nếu trước đã chẳng tu sẽ chẳng được nghe chánh pháp này. Đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, người như vậy rộng tu cội lành, lại được oai lực của Đức Như Lai gia bị nên “mới có thể hoan hỷ tin tưởng chuyện này”.

Trong Kinh Kim Cang nói: “Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau đó, có kẻ trì giới, tu phước, đối với chương cú này mà sanh nổi lòng tin, coi đó là thật thì nên biết là người ấy chẳng phải đã gieo trồng thiện căn ở nơi một Đức Phật, hai Đức Phật, ba, bốn, năm Đức Phật, mà là đã từng ở nơi vô lượng trăm vạn Đức Phật gieo các căn lành“. Vì thế, người nghe được pháp môn Tịnh Ðộ tối cực viên đốn, phương tiện rốt ráo này, nghe xong hoan hỷ tin nhận thì là đã từng tu phước, tu huệ, trồng các căn lành nơi vô lượng Phật. Chỉ có hạng người đã từng ở nơi vô lượng Đức Phật, trồng nhiều cội lành lớn lao mới có thể tu tập hạnh cứu độ khắp hết thảy thế gian này.

Ðoạn trên là nói về việc nghe và tin kinh này, đoạn kệ tiếp giảng rộng ý nghĩa từ nghe và tin, phát khởi hạnh nguyện. Là tin nhận, là gìn giữ, phụng hành đúng theo lời dạy, phát bồ-đề tâm, một bề chuyên niệm A Di Ðà Phật, đồng thời còn biên chép, đọc tụng, khen ngợi, diễn nói, cúng dường kinh Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác này. Đối với các thứ công đức thù thắng nhiệm mầu như vậy đều dùng tâm chí thành, tâm bất nhị để hồi hướng Tịnh Ðộ, cầu sanh Cực Lạc nên bảo là “nhất tâm như thế cầu cõi tịnh”. Phật liền thọ ký rằng: “Quyết định vãng sanh cõi Cực Lạc”.

Tín huệ nghe pháp khó bậc nhất, chính là như trong phần trên đã nói: “Nếu nghe kinh này mà tin ưa, thọ trì thì là điều khó nhất trong các điều khó, không còn gì khó hơn nữa”. Do huệ sanh giải cho nên nghe kinh liền phải tin ưa. Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, Tịnh tông khó tin; điều khó được nay mình đã được, điều khó nghe nay đã được nghe, điều khó tin nay mình đã tin mà lại còn hiểu biết được bằng trí huệ nữa thì thật là “điều khó nhất trong các điều khó”. Phật khuyên hành nhân nên tin sâu, nguyện thiết, niệm Phật cầu sanh, chớ để luống qua, để lỡ qua dịp này thật là điều mất mát lớn.

Diệu pháp khó gặp, khó nghe, khó tin như thế, ta nay đã may mắn được nghe thì phải nên thọ trì, phụng hành đúng theo lời dạy, luôn luôn niệm Phật, sanh lòng vui mừng sâu xa. Hơn nữa, người niệm Phật được từ quang của Phật nhiếp thọ, “cấu diệt thiện sanh, tâm ý nhu nhuyễn”. Bởi thế, kinh nói: “Niệm Phật sanh hoan hỷ”, nghĩa là do niệm Phật nên tự tâm tự sanh hoan hỷ.

Cuối cùng, Phật khuyên hành nhân chẳng những chỉ tự mình thọ trì pháp này để thoát khỏi sanh tử mà còn phải nên làm lợi cho mình lẫn người bằng cách hoằng truyền pháp này, khuyên dạy trì danh, lần lượt giúp nhau độ thoát xuất ly sanh tử. Ðức Thế Tôn khen người làm được như vậy là “chân thiện hữu”, tức là chân thiện tri thức. Ðây chính là lời khen ngợi tột bực của Đức Thế Tôn vì Ngài coi thiện tri thức giống như Như Lai.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

Nguồn: Sen Vàng OnlineTV