"Không làm mọi điều ác Thành tựu các hạnh lành Tâm ý giữ trong sạch Chính lời chư Phật dạy" (Kinh Pháp cú, câu 183)

Khóa tu “Ngày An Lạc”: TT.Thích Đức Trường giảng về kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật

Sáng ngày 14/07/2024 (09/6/Giáp Thìn), TT. Thích Đức Trường đã có buổi thuyết giảng về “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật”, với chủ đề “Duyên khởi và cương lĩnh của bộ kinh”, nhân khóa tu “Ngày An lạc” tổ chức thường niên tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Thường khi Phật thuyết pháp, thời phải có người thưa hỏi, ngoài trừ kinh A Di Đà ra, thời tất cả kinh điển khác đều như vậy. Tại sao chúng ta có được bộ kinh này, do nhân duyên gì mà Phật nói ra bộ kinh Quán Vô Lượng Thọ đây?. Tuy nhân duyên phát khởi để Phật thuyết ra bộ kinh này không được toàn thiện lắm, nhưng phải nên biết, Phật pháp bao la trùm khắp hư không, không có chỗ nào mà Phật pháp không hiện đến, ngoài trừ là cộng nghiệp của chúng sanh quá nặng nên không thể nào nghe được từ Phật pháp.

Phật pháp đến nơi nào thời cũng làm lợi ích cho chúng sanh, làm cho chúng sanh được vui vẻ và được an vui, cho nên người Phật tử cần phải suy xét những gì mình đã làm cho mọi người, có làm cho người khác được an vui không? Hay là gây phiền muộn cho họ, qua những lời nói, hành động, cử chỉ của mình mà khiến họ muốn tránh xa. Cho nên phải suy nghĩ lại những gì mình đã làm, sửa lại cho được toàn thiện hơn, hợp với Phật pháp, như vậy mới thật là đáng để tự hào mình là người Phật tử. Đã là Phật tử thời phải biết việc gì nên làm và việc gì không nên làm. Đừng sống trong bóng của Phật mà làm toàn là việc ma, thì chắc rằng quí vị, uổng công phí sức, làm như vậy để làm gì?.

Thời của Đức Phật, ở nước Ma Kiệt Đà, thủ đô là Vương Xá, có vị thái tử tên là A Xà Thế, vì nghe lời xúi giục của ác hữu, bắt vua cha nhốt vào trong nhà ngục, để đoạt ngôi và bắt mẹ là bà Vi Đề Hy giam vào thâm cung.Bà Vi Đề Hy gặp hoàn cảnh xấu, nói theo cách bây giờ, con trai của bà làm chánh biến (đảo chánh) đoạt quyền, cha ông ta là quốc vương. Ông ta đoạt quyền của cha, giết cha, hại mẹ. Trong tình huống như vậy, bà ta phát tâm chẳng muốn ở trong thế gian này, mong cầu sanh Tịnh Độ, mong Đức Phật dạy cho biết có nơi nào tốt đẹp để bà ta sanh về đó hay không! Thích Ca Mâu Ni Phật dùng thần lực, biến hiện hết thảy các cõi Phật trước mặt phu nhân Vi Đề Hy để bà ta tự xem, tự mình chọn lựa. Sau khi xem xong, bà ta thưa rõ với Thích Ca Mâu Ni Phật, mong mỏi được sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Ý nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới do chính phu nhân Vi Đề Hy chọn lựa, chẳng phải do Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu.

Phật độ chúng sanh, phương pháp rất dân chủ, chẳng phải là chuyên chế, chẳng khuyên quý vị đến đâu, mà cho quý vị thấy toàn thể các cõi Phật để quý vị tự do chọn lựa. Đương nhiên, bà ta chọn lựa cõi tốt nhất, điểm này đáng cho chúng ta chú ý. Sau khi đã chọn lựa, bà ta liền thỉnh giáo Thích Ca Mâu Ni: “Làm thế nào thì mới có thể sanh về đó?” Do vậy, ở đây Đức Phật mới nói ra hai phương pháp quan trọng: Một là, ba thứ tịnh nghiệp; hai là, mười sáu phép quán mầu nhiệm. Do câu chuyện bi ai này mà nay chúng ta có được bộ kinh quí giá Quán Vô Luợng Thọ, cho nên chúng ta cần phải gìn giữ cho kỷ, thật tâm thọ trì những gì chỉ dạy trong kinh để mong có thể đền đáp được Tứ trọng ân.

Kinh Quán Vô lượng Thọ Phật này, thiên trọng lý luận và phương pháp hành của Tịnh Tông. Phương pháp là mười sáu phép Quán, bao gồm Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật và Trì Danh Niệm Phật, các phương pháp niệm Phật đều có trong bộ kinh này. Đồng thời, kinh lại còn giảng rõ nhân quả của bốn cõi và chín phẩm trong Tịnh Độ rõ ràng, cặn kẽ hơn Tam Bối Vãng Sanh (ba bậc vãng sanh) trong kinh Vô Lượng Thọ. Vì thế, đối với người tu Tịnh Độ, nói thực tại, phải hợp ba kinh lại để xem thì mới có thể liễu giải và nhận thức triệt để Tịnh Tông, tín tâm mới có thể sanh khởi.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

Nguồn: Sen Vàng OnlineTV