"Không làm mọi điều ác Thành tựu các hạnh lành Tâm ý giữ trong sạch Chính lời chư Phật dạy" (Kinh Pháp cú, câu 183)

Đại hạnh của Đức Phổ Hiền Bồ-tát

Bồ-tát Phổ Hiền (Visvabhadhra Bodhisattva) là một trong tứ đại Bồ-tát của Phật giáo. Ngài là vị Bồ-tát Đẳng Giác có nhân duyên sâu nặng với chúng sinh, cùng với Bồ-tát Văn Thù là hai vị thị giả của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Nếu như Bồ-tát Văn Thù đại biểu cho trí, tuệ, chứng, nắm giữ trí tuệ và chứng đức của chư Phật. Bồ-tát Phổ Hiền đại biểu cho lý, định, hạnh, nắm giữ lý đức, định đức và hạnh đức của chư Phật. Có thể dễ dàng nhận biết, Bồ-tát Văn Thù là vị cưỡi sư tử đứng thị giả ở bên trái và Bồ-tát Phổ Hiền là vị cưỡi voi trắng đứng thị giả ở bên phải. Trong đó, voi trắng tượng trưng cho trí tuệ vượt chướng ngại, 6 ngà tượng trưng cho sự chiến thắng sáu căn (6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).

Mật Tông xưng tụng Bồ-tát Phổ Hiền là Thiện Nhiếp Kim Cương, Chân Như Kim Cương, Như Ý Kim Cương. Ngài còn được xem là đồng thể với Kim Cương Tát Đỏa. Danh hiệu Phổ Hiền xuất hiện trước tiên trong kinh Mạn Ðà La Bồ-tát, về sau xuất hiện ở nhiều kinh khác như kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa và dần trở nên phổ biến.

Phổ Hiền dịch âm là Tam-mạn-đà Bạt-đà-la, hoặc Tam-mạn-đà Bạt-đà (Samntabhadra). Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng Giác Bồ-tát, Phổ Hiền là vị Bồ-tát Đẳng Giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ. Phổ Hiền Bồ-tát được xem là người hộ vệ của những ai tuyên giảng đạo pháp và đại diện cho “Bình đẳng tính trí”, tức là trí huệ thấu hiểu cái nhất thể của sự đồng nhất và khác biệt.

Ngài là một trong những vị Bồ-tát quan trọng đối với Phật Giáo Đại Thừa. Theo kinh Pháp Hoa, Ngài là vị Bồ-tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta Bà. Nghe thế giới này thuyết kinh Pháp Hoa, Ngài liền lãnh đạo 500 vị Đại Bồ Tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì chánh pháp của Đức Phật Thích Ca.

Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm thứ 28 – Phổ Hiền Bồ-tát Khuyến Phát – Bồ-tát Phổ Hiền có nguyện với Phật rằng, 500 năm sau, nếu có ai thọ trì Kinh Pháp Hoa, Ngài sẽ cỡi voi trắng đến hộ trì, không cho ma, quỷ đến não hại. Ngài dạy rằng, nếu chúng sinh nào nghe danh hiệu Ngài, thấy và chạm đến thân Ngài, hay nằm mộng thấy Ngài, hoặc tưởng niệm đến Ngài trong một ngày đêm hay nhiều hơn, thì không còn thối chuyển. Chúng sinh nào nghe thấy thân Ngài thanh tịnh thì tất được sinh trong thân thanh tịnh.

Có thể nói, Bồ-tát Phổ Hiền là hiện thân cho đại hạnh bao la của mười phương ba đời chư Phật. Bắt đầu từ công phu lễ kính chư Phật cho đến hạnh phổ giai hồi hướng, mỗi công hạnh của Ngài đều sẽ giúp chúng sinh dần vượt qua được những chấp ngã, ích kỷ, kiêu mạn và vô số lỗi lầm trong đời sống. Từ đó, người tu tập dần mở rộng tâm hồn đến vô tận vô biên, thành tựu được các công đức lành và tiến tu trên con đường cao thượng hướng về vô ngã.

Kính thờ Bồ-tát Phổ Hiền cũng chính là đang tôn thờ, từng giờ từng phút nhớ nghĩ và ý thức về các chân lý tuyệt đối của vũ trụ, đó là luật Nhân quả, Khổ, Vô thường, Vô ngã, Từ-Bi-Hỷ-Xả… Kính lễ Ngài là kính lễ đại hạnh vô biên của Chư Bồ-tát. Vô lượng công hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền được đúc kết thành thập hạnh tiêu biểu, đó chính là bài học để chúng sinh xác định được những việc cần làm trên con đường giải thoát giác ngộ.

Hôm nay 21/02 Â.L, cũng là ngày Vía Đức Bồ-tát Phổ Hiền theo truyền thống Phật giáo, Kính mời quý Phật tử cùng ôn lại 10 công hạnh của Ngài.

Thập hạnh Phổ Hiền:

Nhất giả lễ kính chư Phật
Nhị giả xưng tán Như Lai
Tam quả quảng tu cúng dường
Tứ giả sám hối nghiệp chướng
Ngũ giả tùy hỷ công đức
Lục giả thỉnh chuyển pháp luân
Thất giả thỉnh Phật trụ thế
Bát giả thường tùy Phật học
Cửu giả hằng thuận chúng sinh
Thập giả phổ giai hồi hướng.

Chùa Phước Viên