Hòi: Hiện tôi thấy nhiều bậc cha mẹ cho con cái quy y Tam bảo rất sớm, mới 1 hoặc 2 tuổi đã quy y. Tôi nghĩ, người quy y Tam bảo thì phải hiểu ý nghĩa quy y, phải hiểu về ngũ giới, mà trẻ em làm sao hiểu được điều đó? Và những bé quy y từ nhỏ, khi lớn lên hiểu biết về quy y Tam bảo cùng ngũ giới thì có cần quy y và phát nguyện giữ giới lại không?
Đáp: Vấn đề quy y Tam bảo cho trẻ nhỏ, thậm chí khi còn trong thai đã có từ thời Đức Phật. Kinh Trung bộ II (kinh Vương tử Bồ-đề, số 85) đã ghi lại chi tiết vấn đề này.
Theo kinh văn, lúc Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhagga, tại Sunsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Bấy giờ, vương tử Bồ-đề (Bodhi) có một ngôi lâu đài tên Kokanada dựng lên không bao lâu và chưa được một Sa-môn, một Bà-la-môn hay một hạng người nào ở cả. Rồi vương tử Bodhi gọi thanh niên Sanjikaputta đi đến chỗ Thế Tôn, mời Ngài ngày mai dùng cơm cùng với chúng Tỷ-kheo tại lâu đài Kokanada.
Thế Tôn nhận lời và ngày mai đi đến lâu đài của vương tử Bồ-đề thọ trai. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, vương tử Bồ-đề đã nói: “Ôi, thật là Phật! Ôi, thật là Pháp! Ôi, thật là khéo thuyết pháp thay!” nhưng vương tử không nói thêm “Tôi quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng” như thông thường đối với những người khác.
Thanh niên Sanjikaputta đã nhắc lại điều này, nhân đó, vương tử Bồ-đề đã giải thích cho Sanjikaputta rõ: “Này Sanjikaputta, chớ có nói như vậy! Này Sanjikaputta, chớ có nói như vậy! Này Sanjikaputta, mặt trước mặt đối diện với mẫu thân của ta, ta tự nghe như sau: Một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại tu viện Ghosita. Mẫu thân ta đang mang thai, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, mẫu thân ta bạch với Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, đứa con này của con, dù là con trai hay con gái, cũng xin quy y với Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận nó làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, nó trọn đời quy ngưỡng’.
Lại một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú giữa dân chúng Bhagga, tại Sumsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Rồi người vú của ta, ẵm ta bên hông, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, người vú của ta bạch Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, vương tử Bồ-đề nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận vương tử này làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, xin trọn đời quy ngưỡng’. Và nay, này Sanjikaputta, lần thứ ba ta quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng”.
Như vậy, quy y cho trẻ lúc còn mang thai hay khi còn thơ ấu là điều cần làm. Tuy bấy giờ trẻ chưa nhận thức mấy về ý nghĩa quy y nhưng gia đình đã gieo trồng được hạt giống lành vào tâm thức con trẻ đồng thời đứa trẻ cũng nhận được năng lượng bi mẫn gia hộ của Tam bảo. Sự kết nối và giao cảm tâm linh sơ khai ấy đã được Đức Phật chấp nhận.
Cần thấy rõ rằng, lễ quy y Tam bảo và trao truyền năm giới tuy được thực hiện chung nhưng kỳ thực đó là hai vấn đề khác biệt nhau. Người quy y Tam bảo có thể chưa thọ giới hay thọ từ một đến hết cả năm giới. Nên trong trường hợp quy y cho trẻ nhỏ thì chỉ có quy y mà không thọ giới. Và dĩ nhiên, sau khi đứa trẻ đó lớn lên trong sự gia hộ của Tam bảo, nhận thức được sự cao quý của giáo pháp, cần đối trước Tam bảo phát tâm quy y và nguyện giữ năm giới. Cũng giống như vương tử Bồ-đề, lúc còn trong bào thai đã được mẹ cho quy y, rồi tuổi thơ được cho quy y thêm lần nữa, khi trưởng thành nhận thức được giáo pháp, chính vương tử đã phát tâm quy y Tam bảo.
Nguồn: Báo Giác Ngộ