Sáng 21/7/2024 (16/6/Giáp Thìn), nhân khóa tu “Ngày An lạc” tại chùa Phước Viên (số 318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), ĐĐ.Thích Giác Thái đã có buổi thuyết giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật chủ đề: 5 huyền nghĩa của kinh “Danh – Thể – Tông – Dụng – Giáo”.
Tên của bộ Kinh này là “Phật thuyết Quán Cực Lạc Quốc Độ, Vô Lượng Thọ Phật, Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát Kinh”. Phật là bậc Đại giác, giác ngộ tất cả pháp không còn mê lầm. Phật có đủ ba giác ngộ nên là bậc Đại giác. Ba giác ngộ là: Bản giác, Thỉ giác, Cứu cánh giác. Tự giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn, gọi là tam giác viên mãn vậy.
Một cõi nước an vui, không có sự khổ nên gọi là Cực Lạc. Đây là phần Y Báo trang nghiêm, Người là Chánh Báo, mà chánh báo ở cõi nước này lại càng trang nghiêm vi diệu không thể nghĩ bàn, mà trong Kinh này đức Phật đã dạy cho chúng ta mười sáu pháp quán, và lấy Y nhị Chánh Báo trang nghiêm của cõi này, làm nhan đề cho bộ Kinh, là Quán Cực Lạc Quốc Độ, Vô Lượng Thọ Phật, Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát. Mà chúng ta thường gọi tắt là Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Cực Lạc là thắng cảnh (chánh cảnh) của bộ kinh Quán Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Thọ (chánh nhân) là quả của bộ kinh này.
Làm thế nào mới được tương ưng với pháp môn này? Chính là làm theo những lời dạy trong kinh, ngày ngày lau chùi cho sạch, những thứ tâm tham lam, sân hận, tà kiến, ích kỷ, mưu cầu, tự lợi, nói dối, như vậy còn lo gì đến chuyện không được vãng sanh. Không sợ rằng Đức Từ Phụ A Di Đà quên rước mình hay bỏ sót lại, mà sợ rằng chánh niệm mình sao lãng, ý chí không vững, không thật lòng sửa tánh hư tật xấu mà thôi.
Chư Phật cũng vậy, thể tưởng khắp mười phương, tuy nhiên, chư Phật đồng một tánh, đó là tánh Giác. Cho nên, mười phương chư Phật giảng nói pháp gì đi nữa, cũng không rời pháp môn niệm Phật này, vì là đồng một tánh. Một là tất cả, tất cả là một, cho nên không có việc gì nằm ngoài thế giới Cực Lạc, cũng không có việc gì mà có thể ra khỏi sự cai quản của Đức Phật Vô Lượng Thọ. Kinh Quán Vô Lượng Thọ này lấy thật tướng làm thể, thật tướng cũng tức là không tướng, không tướng nhưng chỗ nào cũng có tướng, Phật Pháp thật kỳ diệu, cho nên chúng ta phải dùng ba nghiệp thanh tịnh mà suy ngẫm cái đạo lý tuyệt diệu trong đó.
Kinh này lấy Quán Phật tam muội hay trì danh Phật làm tông. Trì danh niệm Phật là một pháp môn rất trọng yếu trong thời nay. Trong bộ kinh này phần nhiều thì lấy sự quán tưởng làm tông, nhưng cũng có phần dạy phải niệm danh hiệu Phật. Tông chỉ của bộ kinh này là Độ sanh, chúng sanh nào tu theo cách quán tưởng trong kinh đã dạy thì nhứt định sẽ được an vui trong mùi vị giải thoát mà không sanh vào đường ác nữa, diệt được vô lượng tội trong vòng sanh tử. Cho nên nói bộ kinh này thật là không thể nào nghĩ bàn. Phải phát tâm tinh tấn lên để cùng cặp bến bờ giải thoát.
Kinh này thuộc về Kinh Tạng và Luật Tạng vì trong đó cũng có nói về Giới Luật. Kinh Tạng thì thuộc về Định Học, Luật Tạng thuộc về Giới Học, và Luận Tạng thì thuộc về Huệ Học. “Thừa” ở đây là Ba Thừa: Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ Tát Thừa. Kinh này thuộc về Bồ-tát thừa, cơ duyên được độ đều là Bồ-tát có đủ căn tánh Đại thừa.
Một số hình ảnh tại buổi giảng:
Nguồn: Sen Vàng OnlineTV