Sáng 15/9/2024 (13/8/Giáp Thìn), ĐĐ.Thích Giác Thái đã có buổi thuyết giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật chủ đề “Pháp quán 2: Quán nước đóng thành băng“, trong khóa tu “Ngày An lạc”, được tổ chức chủ nhật hàng tuần tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Quán tưởng nước chính là quán đất. Đất báu lưu ly toàn cõi này không có, nhưng nói mặt nước đóng băng thì mọi người đều biết. Đó là nhờ cái nầy để thấy cái kia, dùng tương tợ để so sánh với chân thật, cho nên trước quán nước thành băng, sau quán băng thành đất báu. Đó chính là điều kinh ghi: “Nước kết thành băng, chính là để biểu hiện cho đất lưu ly. Thấy nước trong suốt, vắng lặng không dao động, nên bảo tâm chuyên chú không phân tán. Thấy băng trong suốt, quán tưởng là lưu ly“.
Sau khi kết thành băng, giống như lưu ly. Lưu ly trong suốt, có màu hơi xanh, gọi là Phỉ Thúy, tức ngọc có màu xanh. Nước biển có màu xanh dương, nên nếu kết thành băng, quả thật giống như lưu ly.
Sau khi phép quán tưởng này đã thành, đại địa là lưu ly. Đại địa trong thế giới Tây Phương bằng lưu ly. Nếu quán thành công phép quán tưởng này, bất luận ở chỗ nào, quý vị đều thấy đất là đất lưu ly. Nếu thấy đất ở chỗ chúng ta đây vẫn là sàn bằng đá mài, tức phép quán tưởng này chẳng thành công, tuyệt đối là chẳng quán thành công. Sau khi quán thành công, đất là đất lưu ly. Do vậy, chúng ta cũng có thể hiểu rõ, trong kinh, Đức Phật đã nói “hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”, đó là thật.
Tâm quả thật có thể biến cảnh giới, tùy thuộc vào mức độ tưởng của quý vị. Nay chúng ta chẳng thể biến cảnh giới, là do tưởng rất cạn, nay đang tưởng chỗ này, qua niệm thứ hai bèn tưởng chỗ khác; do vậy, chẳng thể biến thành cảnh giới. Nếu chuyên chú tưởng một chuyện, sẽ thật sự có thể biến cảnh giới. Hết thảy các pháp đều sanh từ tâm tưởng. Dưới mặt đất của Tây Phương còn có rất nhiều kho báu, dưới mặt đất trong cõi chúng ta cũng có kho báu.
Phía dưới có chất báu, chất báu tỏa ánh sáng, có vô lượng quang minh. Như vậy là đất nơi thế giới Tây Phương tỏa ánh sáng, đại địa có quang minh. Chúng ta nghĩ xem địa cầu của chúng ta có quang minh hay không? Nói thật ra, cũng tỏa sáng, cũng có ánh sáng, nhưng nhục nhãn của chúng ta chẳng thấy. Nay chúng ta dùng máy móc thăm dò, bèn phát hiện ánh sáng có bước sóng dài hay ngắn khác nhau.
Những tia sáng mà chúng ta có thể thấy bằng mắt thường có bước sóng vô cùng hữu hạn, [những tia sáng] có bước sóng dài hơn thì chúng ta chẳng thấy, mà những tia sáng có bước sóng ngắn hơn chúng ta cũng không thấy. Chẳng phải là không phóng quang, thảy đều phóng quang. Nay ta dùng dụng cụ khoa học để thăm dò, chúng ta đã thăm dò được các tia sáng như tia X, hồng ngoại tuyến (Infrared), tử ngoại tuyến (Ultraviolet), đó là những tia sáng thăm dò được. Trên mặt đất hay trong không trung đều có ánh sáng, nhưng chúng ta chẳng thể thấy bằng mắt thường. Tâm của người trong thế giới Tây Phương thanh tịnh, nên đối với các thứ sóng ánh sáng đều có thể trông thấy.
Vì vậy, thế giới ấy khác hẳn. Nếu chúng ta cũng trông thấy các loại sóng ánh sáng thì sẽ thấy dưới mặt đất cũng trong suốt, cũng thấy dưới lòng đất, chúng ta gọi chuyện này là Thiên Nhãn. Người có Thiên Nhãn Thông chẳng bị chướng ngại, có thể thấy phía dưới mặt đất.
Ánh sáng của các báu ấy từ dưới đất phản chiếu lên hư không, nên giống như hoa. Vì từ trên hư không chiếu xuống, nên giống như ánh sáng trăng sao. Tràng hoa và nhạc cụ vây quanh bốn phía, khi gió làm lay động phát ra âm thanh thuyết pháp dạy chúng. Gió phát xuất từ tám hướng nên gọi tám ngọn. Ở cõi kia không có thời tiết. Vì đối với cõi này nên gọi là tám. Pháp khổ, không … là Tứ niệm xứ: Quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Dùng bốn pháp này để phá trừ bốn điên đảo. Chữ “không” trong kinh văn là đối với quán thân. Khi những chấp trước sai lầm đều bặt dứt thì chẳng phải “không” là gì?.
Một số hình ảnh tại buổi giảng:
Chùa Phước Viên