Sáng ngày 31/12/2023 (19/11 Quý Mão), tại chùa Phước Viên (số 318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM). ĐĐ.Thích Giác Thái đã có buổi thuyết giảng “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ”, phẩm thứ 35 “Trược thế ác khổ”.
Phẩm này giảng rõ sự ác khổ trong cõi đời ô trược này. Ác là ngũ ác, Khổ là năm điều đau đớn, năm điều thiêu đốt. Phật khuyên dạy chúng sanh bỏ ác làm lành hầu lìa khổ, được vui. Năm giới để ngăn ngừa năm sự ác là giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Tạo năm điều ác ấy thì hiện đời bị phép vua trị tội, thân gặp ách nạn, nên bảo là năm sự đau đớn. Do năm điều ác đó, trong đời vị lai sẽ chịu quả báo trong tam đồ nên gọi là năm sự đốt. Ngũ Ác là nhân của sự ác. Ngũ Thống là hoa báo, Ngũ Thiêu là quả báo.
“Ðoan tâm chánh ý” là tâm chân chánh, ý chân thành, khéo giữ gìn ý niệm của mình, xa lìa ba độc (tham, sân, si), chẳng mơ tưởng đến việc tà ác. Ngài Nghĩa Tịch lại giảng: “Hướng đến Bồ Ðề là đoan tâm, chẳng cầu việc khác là chánh ý”. Hiểu như vậy là hiểu ở mức độ càng sâu hơn nữa, bởi chỉ có hướng đến Bồ Ðề mới là “đoan tâm”, chẳng hề cầu mong điều gì khác là “chánh ý”. Nếu có thể đoan chánh thân tâm như vậy thì tự nhiên chẳng làm các điều ác nên bảo là “thậm vi đại đức” (thật là đại đức). “Ðại đức” là đức đến cùng tột.
Trong những điều ác, trước hết, Phật dạy về cái ác sát sanh. Thái Hiền nói: “Ðiều thế gian sợ hãi nhất là chết, điều tổn hại người khác nhất là đoạt mạng”. Cái người ta sợ nhất là chết, cái người ta quý nhất là mạng. Bởi đó, sát hại mạng kẻ khác là điều ác lớn nhất.
Tiếp đó, kinh nói những điều như giàu sang, trí huệ nhạy bén… để biểu thị những điều đạt được do làm lành nhằm càng làm rõ thêm những tổn thất do ác nghiệp gây ra.Ðiều thứ hai là tội ác trộm cắp. Ðối với vật có chủ, dù ít hay nhiều, nếu chẳng cho mà lấy thì đều là trộm cắp. Hạnh trộm cắp vốn bắt nguồn từ tam độc. Tham dục, keo kiết thì dễ sanh tâm trộm cắp. Các ác hỗ trợ nhau thành ra tội trộm cắp.
Thứ ba là nói về sự dâm ác và do cái nhân dâm ác dẫn khởi những cái ác: tham, sân, si…vì chúng sanh đều có Cộng Nghiệp và Biệt Nghiệp. Do người này, kẻ kia cùng có chung nghiệp báo nên sanh ra cùng một thời kỳ trong cùng một thế giới. Lại do biệt nghiệp của mỗi người đều khác, mỗi người đều có cái duyên túc nghiệp sai khác nên hoặc làm quyến thuộc, hoặc trở thành cừu địch, cùng sanh trong đời để đền ân báo oán nên bảo là “Nương theo các nhân mà sanh”.
Trăm năm ngắn ngủi như chốc lát, vô thường vùn vụt. Mạng người trong hơi thở, nháy mắt liền hết; nhưng thế nhân điên đảo, chẳng biết khổ, không, vô thường, chỉ cầu cái vui huyễn vọng như con thiêu thân đâm đầu vào lửa tự đốt thân mình.
Bởi thế, Dâm chính là một trong mười điều ác. Dâm là gông cùm trói buộc chúng sanh. Dâm là cội nguồn tội lỗi sanh ra các nạn. Hết thảy chúng sanh đều do dâm dục mà bị sanh tử nên bảo là: “Căn bản của sanh tử thì dục là bậc nhất”.
“Trong các thứ ái, dục là nặng nhất. Nếu đối trị được nó, tự nhiên điều phục được các thứ khác; như chế ngự được kẻ mạnh mẽ thì những kẻ yếu hơn tự khuất phục. Mà dục pháp này có đến ba tội lỗi: Khổ mà tưởng như vui; chút ít ngọt ngào nhưng lắm tai hại; bất tịnh mà tưởng như là tịnh”.
Thứ tư là tội vọng ngữ. Trí Ðộ Luận giảng về “vọng ngữ” như sau: “Vọng ngữ là tâm bất tịnh muốn dối gạt người. Che giấu sự thật, nói ra chuyện khác, tạo thành khẩu nghiệp. Ðấy gọi là vọng ngữ”. Miệng có bốn lỗi, tức là bốn điều ác nơi khẩu nghiệp trong Thập Ác là: Nói đôi chiều, ác khẩu, nói dối và nói thêu dệt. Tịnh Ảnh Sớ viết: “Bốn lỗi của miệng chẳng đúng với pháp, được gọi chung là Vọng Ngữ”. Nay kinh này giảng về năm sự ác nên dùng chữ “vọng ngữ” để gộp cả ba lỗi kia của khẩu nghiệp, tính thành một điều ác. Nhưng kinh này hàm ý răn dạy cả Thập Ác nên lại nêu ra cả ba điều ác nơi miệng; bởi thế, trong phần nói tóm lược, lại có phần giải thích rộng ra.
Thứ năm – với điều này, cổ đức có hai cách giải thích:
1. Một là giống như những điều trên, điều này giảng về tội lỗi của việc uống rượu. Ham rượu, mê vị ngon, tiếp đó lại nêu lên các điều ác khác để nói rõ tai hại của rượu.
2. Quan điểm thứ hai là năm điều ác này thật ra bao gồm cả mười điều ác như ngài Nghĩa Tịch nói: “Ba nghiệp ác nơi thân là ba điều đầu (trong Ngũ Ác, Ngũ Thống, Ngũ Thiêu). Bốn nghiệp ác nơi miệng gộp thành điều thứ bốn. Ba nghiệp ác nơi ý hợp thành điều thứ năm”. Nghĩa là: Ba nghiệp sát sanh, trộm cắp, tà dâm là điều ác thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Bốn nghiệp ác nơi miệng là điều ác thứ tư. Cho đến đây, hai thuyết vẫn giống nhau. Nhưng riêng với điều ác thứ năm, các vị như Tịnh Ảnh… cho là tội uống rượu, còn ngài Nghĩa Tịch lại cho là chỉ chung cả ba nghiệp ác nơi ý, tức là tham, sân, si.
Thiện nhân là người gieo cái nhân lành; đời sau sanh trong nhà tôn quý, thân hình đoan chánh, duyên cảnh hòa hợp, đẹp đẽ, thân tâm sướng vui; đó là “lạc” Người ấy lại còn sáng suốt, thông đạt, ưa điều thiện, thích bố thí; ấy là “minh”. Nếu người ấy lại làm nhiều thiện nghiệp, siêng tu phước huệ thì được sanh lên trời. Hay hơn nữa là niệm Phật cầu sanh Tây phương v.v… Ấy là “từ chỗ sáng vào chỗ sáng”.
Còn kẻ ác tạo ác nghiệp, gieo nhân ác, chịu quả ác. Vì thế, sanh trong nhà ty tiện, hình dung khô kháo, cả đói lẫn rách bức não thân tâm; ấy là khổ. Lại còn ngu muội, vô tri, chẳng tin chánh pháp, chẳng làm việc lành; ấy là “tối tăm”. Nếu còn làm nhiều ác nghiệp, chết sẽ đọa ác đạo, nên bảo: Từ khổ vào khổ, từ tối vào nơi tối”.
Tiếp đó, kinh dạy rõ lý nhân quả sanh tử trong sáu đường như thế rất u huyền; cả chín mươi lăm phái ngoại đạo chẳng thể biết được nổi, chỉ mình đức Thế Tôn ta biết được căn nguyên nên nói: “Chỉ riêng đức Phật biết mà thôi”. Phật rủ lòng giáo hóa, mở bày sự chân thật, nhưng chúng sanh ngu si, chẳng tin theo, chẳng hành theo. Bởi vậy, Phật nói: “ Kẻ tin hành theo thì ít’. Do đó, thế gian “sanh tử chẳng ngơi, ác đạo chẳng dứt”. Người đời chẳng tin lời Phật dạy răn cứ làm ác không thôi.
Ðiểm mầu nhiệm của Tịnh tông là ở chỗ chiếu Chân đạt Tục. Nếu rộng hành các điều lành thì chẳng những tạo phước cho xã hội hiện tại mà còn là trợ hạnh cho Tịnh nghiệp nữa. Lại thêm tín nguyện sâu chắc, trì danh hiệu Phật thì kiêm cả tự lợi lẫn lợi tha, thường vui sướng vô cực.
Hơn nữa, phẩm này giảng rộng về đời trược ác khổ, tuy chỉ giảng bày rộng rãi về mặt sự tướng, nhưng thật đã hiển bày trọn vẹn Nhất Tâm. Tâm nhơ uế ắt cõi nhơ uế, tâm ác ắt sanh trong đường ác. Không thứ nào chẳng do tự tâm biến hiện. Kinh đã giảng rõ hai cõi tịnh – uế để ta biết mà ưa thích hay chán nhàm.
Một số hình ảnh tại buổi giảng:
Video ĐĐ.Thích Giác Thái thuyết giảng về kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, phẩm thứ 35: “Trược thế ác khổ”: VIDEO – TP. HCM: ĐĐ. THÍCH GIÁC THÁI THUYẾT GIẢNG KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TẠI CHÙA PHƯỚC VIÊN – YouTube
Thực hiện: Diệu Thanh – Minh Tâm
(Nguồn: Sen Vàng OnlineTV)