"Không làm mọi điều ác Thành tựu các hạnh lành Tâm ý giữ trong sạch Chính lời chư Phật dạy" (Kinh Pháp cú, câu 183)

Khóa tu “Ngày An Lạc”: ĐĐ. Thích Tâm Đức nói về phẩm “Như nghèo đặng của báu”

Sáng ngày 14/01/2024 (nhằm ngày 04/12 Quý Mão), nhân Khóa tu “Ngày an lạc”, tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), ĐĐ. Thích Tâm Đức đã có buổi thuyết giảng “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ”, phẩm thứ 37 “Như nghèo đặng của báu”, với sự tham dự của đông đảo Phật tử, cùng bà con có hoàn cảnh khó khăn và hội người khiếm thị trên địa bàn P.21, Q.Bình Thạnh.

Trong phẩm trước, đức Phật nói đến những điều ác khổ để chiết phục chúng sanh, khuyên răn chúng sanh bỏ ác; trong phẩm này, đức Phật nói đến những nhân quả lành để nhiếp thọ chúng sanh, khuyên lơn họ tinh tấn đi theo đường lành, dứt bỏ ác hạnh nhằm “nhổ dứt cái khổ sanh tử”, “đạt sự an vui vô vi”.

Thế Tôn mấy lượt khuyên lơn, chỉ mong đại chúng phụng trì kinh giới nên trong đoạn này trước hết Phật bảo: Trao cho kinh pháp”, khuyên bảo chúng sanh thọ trì, tư duy, phụng hành đúng pháp.

Như Lai đại từ thương xót các căn cơ, rát miệng xót lòng khai thị, dạy dỗ. Năm thời thuyết pháp nhằm thích ứng các căn cơ. Giáo pháp có bán (bán tự giáo) hay mãn (mãn tự giáo) nhưng đều là tùy duyên độ thoát nên mới bảo là “khổ tâm hối dụ, thọ dữ kinh pháp”.

Phật lại dạy rằng: Ðối với những kinh pháp đã được nghe như thế, đều phải nên thọ trì, suy nghĩ, lần lượt dạy bảo nhau. Tin kính,  là tu hành. Ðó là tự lợi. Ðối với các thân hữu liền “chuyển tương giáo ngữ” chính là lợi tha. “Nếu chẳng thuyết pháp độ sanh thì chẳng thể báo nổi Phật ân”.

Thêm nữa, muốn “chuyển tương giáo ngữ” (lần lượt dạy bảo lẫn nhau) thì trước hết phải dùng Tứ Nhiếp để lôi cuốn chúng sanh (Tứ Nhiếp là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự) cho nên “hoan lạc từ hiếu” cũng chính là Tứ Nhiếp Pháp.

Từ câu hễ trót phạm lỗi” cho đến rửa lòng, đổi hạnh đều khuyên phụng trì kinh giới. Phẩm này mang tên như kẻ nghèo được của báu” chính là câu cốt lõi của phẩm này. Ðức Thế Tôn tâm Từ đến tột bực nên ban lời dạy như thế. Kẻ nghèo được của báu ắt diệt ngay các khổ, bởi đó hoan hỷ, vô ưu. Ở đây, Phật dùng của báu để sánh ví diệu dụng của kinh giới.

Hơn nữa, kẻ nghèo một khi có được của báu thì sẽ coi như tánh mạng của chính mình, sẽ toàn lực gìn giữ, chẳng để mất đi. Ở đây, đức Phật khuyên hành nhân được lãnh thọ kinh giới thì phải tự khéo vâng giữ như bảo vệ đầu, mắt. Nếu lỡ khuyết phạm thì phải mau sám hối, thề chẳng tái phạm. Ỷ mạnh hiếp yếu chính là nguồn cội của mọi tai vạ trong thế gian. Nước hùng mạnh cậy vào quân lực hiếp đáp nước nhược tiểu, kẻ giàu cậy vào tiền của để bóc lột người nghèo, kẻ nắm giữ quyền bính thường dựa quyền thế để rúc rỉa nhân dân; còn không thì kẻ mạnh lại kết thành giặc cướp bức hại người lương thiện. Cậy đông hiếp đáp kẻ cô thế, cậy thế khinh người, rúc rỉa máu xương người khác để cốt ấm thân, tàn nước hại dân, không còn gì tệ hơn thế nữa. Ðây, kia đều an, kẻ có người không chia sẻ cho nhau, chung sống hòa bình, nguyện thế giới đạt đến đại đồng.

Phật đi đến đâu, chỗ đó đều được hưởng những lợi ích như thế, đủ thấy từ lực của Phật khó thể suy nghĩ, khó bàn luận nổi! Phật pháp sẽ dần dần diệt mất, Ngũ Thiêu, Ngũ Thống sẽ chuyển thành dữ dội hơn nên Phật lại răn dạy chúng sanh hãy bỏ ác tu thiện, phụng trì kinh pháp.

Di Lặc đại sĩ kính cẩn nhận lãnh lời răn dạy của Phật nên chắp tay kính tạ, khen ngợi Như Lai: Người đời ác khổ thật sâu như thế. Ðức Phật lòng từ bi vô lượng, đối với những kẻ hung ác cùng cực như thế dùng lòng đại từ bình đẳng đều độ thoát”. Di Lặc đại sĩ chính là đương cơ trong hàng Bồ Tát của kinh này nên Ngài hiểu được chỗ bí yếu của bản kinh, liền nói: “Tất độ thoát chi”.

Nếu có kẻ đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh về cõi nước của A Di Ðà Phật thì những người ấy đều được bất thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác) nghĩa là: Người hiện đang phát nguyện vãng sanh đều đã bất thoái chuyển nơi vô thượng Bồ Ðề. Bởi thế, ngài Di Lặc mới thưa là “tất độ thoát chi”.

Vì vậy, chúng ta đều phải tuân lời Phật răn dạy, tín nguyện trì danh cầu sanh Tịnh Ðộ.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

Thực hiện: Diệu Thanh – Minh Phát
(Nguồn: Sen Vàng OnlineTV)