Sáng ngày 21/04/2024 (13/03 Giáp Thìn), ĐĐ.Thích Tuệ Nhật đã có buổi thuyết giảng về phẩm 40 “Biên địa, nghi thành” của “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ”, trong khóa tu Ngày An lạc tổ chức hằng tuần tại chùa Phước Viên (số 318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Phẩm này giảng về cái nhân của Thai Sanh, khuyên nên sanh lòng tin sâu xa hầu khỏi đọa vào nghi thành biên địa: Trong năm trăm năm chẳng được thấy Phật và Tăng, chẳng được nghe kinh pháp.
“Biên Ðịa là ý nói trong năm trăm năm chẳng được nghe đến Tam Bảo, giống như cái nạn [sanh nơi] biên địa, hoặc cũng là ở tuốt ngoài bìa cõi Cực Lạc. Thai Sanh là ví như người sanh trong thai, lúc sơ sanh nhân pháp chưa thành. Chữ Biên chỉ cho cái nạn ấy, chữ Thai chỉ sự tối tăm. Hai danh từ này đều là mượn tình huống nơi đây để ví cho tình trạng nơi kia (Ý nói: chữ Biên và Thai đều là thí dụ mà thôi), chứ chẳng phải là biên địa trong tám nạn, cũng chẳng phải là kiểu Thai Sanh bằng thai bào. Do đâu biết thế? Cõi nước An Lạc thuần một bề là hóa sanh, cho nên biết là chẳng thật có Thai Sanh. Do năm trăm năm sau lại được thấy nghe Tam Bảo, nên chẳng phải là nạn biên địa trong tám nạn”.
Lại nữa, “nghi thành” là nếu ai trong lòng nghi ngờ, niệm A Di Ðà Phật thì sanh trong cung điện bảy báu nơi biên địa cõi Cực Lạc, trong năm trăm năm chẳng được nghe đến danh hiệu Tam Bảo. Do chốn đó là nơi kẻ nghi ngờ cư ngụ nên gọi là “nghi thành”.
Nếu người lúc mạng chung, biết trước thời khắc, chánh niệm phân minh, tắm gội, mặc áo, thanh thản ra đi, quang minh chiếu thân, thấy tướng hảo của Phật, các điều lành cùng hiện thì biết chắc chắn là người ấy quyết định vãng sanh Tịnh Ðộ. Nếu người niệm Phật, trì giới, tâm không tinh tấn thì lúc mạng chung cũng không có tướng lành mà cũng không có tướng ác. Ðịa phủ chẳng thâu, An Dưỡng chẳng nhiếp, bèn như mơ ngủ mà đi. Kẻ ấy nghi tình chưa đoạn nên sanh vào nghi thành. Hưởng vui trong năm trăm năm, lại tu tín nguyện, mới được về Tịnh Ðộ. Rõ ràng là Tín lẫn Nguyện chính là điều kiện căn bản để vãng sanh gặp Phật!.
Khi chẳng tin vào bất tư nghị trí nên nghi nếu chỉ niệm A Di Ðà Phật chưa chắc đã được vãng sanh Cực Lạc, chẳng biết rằng bất tư nghị trí có đại oai lực chẳng thể suy lường được nổi. Hết thảy muôn pháp không pháp nào chẳng phải là tự lực, tha lực, tự nhiếp, tha nhiếp, thiên biến vạn hóa vô lượng vô biên. Há nên dùng cái tình thức còn ngăn ngại của phàm phu để ngờ vực diệu pháp vô ngại của đức Như Lai; đâu biết rằng một tấm gương có thể hiện bóng muôn vàn cảnh tượng, củi chất ngàn năm một mồi lửa cháy sạch. Vì vậy, chí tâm nhất niệm xong danh tiêu diệt được trọng tội sanh tử trong tám mươi ức kiếp. Mười niệm ắt được vãng sanh có chi là lạ!.
Nghi Phật chẳng thể thật sự độ hết thảy chúng sanh, lại ngờ hết thảy chúng sanh niệm Phật chẳng phải đều được vãng sanh Tịnh Ðộ. Bởi thế, đối với A Di Ðà Phật bèn sanh ý tưởng suy lường. Ðể đối trị mối nghi này, Phật mới nói đến Ðại Thừa quảng trí. Trí này không pháp gì chẳng biết, không phiền não nào nó chẳng đoạn được, không điều thiện nào nó chẳng trọn vẹn được, không chúng sanh nào trí này chẳng độ được.
Muốn chỉ rõ Phật trí không gì là chẳng độ thoát được, đều đưa hết thảy vào vô dư nên gọi là “Ðại Thừa”. Trí ấy độ thoát vô hạn vô ngằn nên gọi là “quảng trí”. Trí ấy lại biết rõ cùng tột các pháp môn nên gọi là “Ðại Thừa quảng trí”. Vì thế, trí ấy có thể khế hợp rộng rãi mọi căn cơ, đều độ thoát tất cả. Như Lai đại bi đại trí, đối với những kẻ hữu duyên thì không một ai Ngài chẳng độ thoát cho được nhập Niết Bàn. Ngài khai diễn diệu nghĩa “tâm này làm Phật, tâm này là Phật” khiến cho các hữu tình do niệm Phật chứng nhập vô niệm, do vãng sanh chứng được vô sanh. Bởi thế có thể khiến cho chúng sanh niệm Phật đều sanh Tịnh Ðộ.
Hơn nữa, thế giới chẳng phải là hữu biên, chẳng phải là vô biên, cũng tuyệt hẳn tứ cú. Phật làm cho chúng sanh lìa được tứ cú ấy thì gọi là “độ”, nhưng thật ra Ngài chẳng độ mà cũng chẳng phải là chẳng độ, chẳng phải tận mà cũng chẳng phải là chẳng tận.
Phẩm kinh này nói đến một loại hành nhân khác bị sanh về Biên Địa: tin Tha mà chẳng tin Tự (tin vào mình). Loại này cũng như loại trước đều là hạng tín căn chẳng đủ. Ðó là vì có đến sáu thứ tin: tin lý, tin sự, tin tự, tin tha, tin nhân, tin quả. Ðầy đủ cả sáu niềm tin này mới gọi là lòng tin đầy đủ. Loại hành nhân này biết cầu Phật trí. Ba thứ trí như phổ biến trí v.v… nói ở đây tương đương với bốn trí đã nói ở phần trên. Nói miễn cưỡng, “oai đức quảng đại bất tư nghị trí” tương đương với bất tư nghị trí và bất khả xưng trí. Phổ biến trí tương đương Ðại Thừa quảng trí bình đẳng phổ biến độ thoát hết thảy hữu tình cho đều đạt đến vô thượng Bồ Ðề. Vô đẳng trí tương ứng với vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí.
Do vậy biết: Tin vào Tha mà chẳng tin Tự thì chính là trí còn kém cỏi. Không có trí quyết định thì chẳng thể sanh lòng tin quyết định, cho nên “ý chí do dự, vô sở chuyên cứ” (ý chí do dự, chẳng thể chuyên chú nơi chỗ y cứ). Tín nguyện chẳng vững thì chỗ mình y cứ [để tu tập] chẳng thể chuyên nhất nổi. Tuy vậy, vì hành nhân niệm Phật liên tục nên nương theo sức niệm Phật và sức phát nguyện bèn được vãng sanh, nhưng chỉ được sanh nơi Biên Địa.
Sanh trong biên địa cũng “tự nhiên thọ thân” trong ao hoa sen báu, nên chẳng phải là thai sanh như trong thế gian mà thật sự là liên hoa hóa sanh. Sanh sống khoái lạc như “Ðao Lợi thiên”, nhưng ở miết trong ấy chẳng ra ngoài được. Chốn họ cư ngụ là ngay trên mặt đất, chẳng thể thăng lên hư không; nhà cửa cũng chẳng thể tùy ý hóa ra cao to theo ý muốn. Ðiều tệ nhất là trong cả năm trăm năm chẳng được thấy Phật, nghe pháp. Về “ngũ bách tuế” (năm trăm năm), bản Hán dịch chép rõ là “ư thị gian ngũ bách tuế” (năm trăm năm trong cõi này). Kinh chép “thị gian” chứ không ghi là “bỉ quốc” (cõi kia), nên chữ “thị gian” phải là cõi đức Thế Tôn đang thuyết pháp (tức là cõi Sa Bà).
Phẩm này nêu chung về tướng trạng nhân quả của Thai Sanh và Hóa Sanh. Người vãng sanh có đầy đủ lòng tin thì chẳng những tin vào Phật Trí, còn tin vào thiện căn của chính mình, ngoài thì kính mộ chư hiền thánh, trong lại tôn trọng linh giác của mình, tu các công đức, chí tâm hồi hướng nên đều hóa sanh trong hoa sen ở trước Phật. Quang minh, trí huệ, công đức thành tựu đầy đủ như các vị Bồ Tát. Ngược lại, kẻ trong lòng ngờ vực ắt đọa vào Thai Sanh, trong năm trăm năm, chẳng được nghe đến Tam Bảo v.v… đấy đều là vì thiếu hẳn trí huệ, bởi ngờ vực mà phải chịu nông nỗi ấy. Bởi vậy, đoạn nghi sanh tín là điều cực kỳ thiết yếu vậy.
Hình ảnh tại buổi giảng:
Nguồn: Sen Vàng OnlineTV