"Không làm mọi điều ác Thành tựu các hạnh lành Tâm ý giữ trong sạch Chính lời chư Phật dạy" (Kinh Pháp cú, câu 183)

Khóa tu “Ngày An Lạc”: ĐĐ.Thích Tuệ Nhật thuyết giảng về pháp quán thứ 3 “Quán tưởng đất”

Sáng 22/9/2024 (20/8/Giáp Thìn), tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), ĐĐ.Thích Tuệ Nhật đã có buổi thuyết giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật – Pháp quán 3: “Quán tưởng đất”, nhân khóa tu “Ngày An lạc”.

Được học, nghiên cứu và hành trì bộ Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật với tâm hoan hỷ là phúc báu của hành giả tu theo Tịnh độ tông “Phước trùng Phước” mà NT.TN.Từ Nhẫn – Trụ trì chùa Phước Viên đã tạo mọi điều kiện, nhằm gieo hạt giống Từ Bi và Trí Tuệ đến hàng Phật tử tại đạo tràng.

Trong phần kinh văn này, Đại Đức đã chia sẻ về tầm quan trọng trong lúc thực hành pháp quán tưởng đất, khi hành giả đã hiểu rõ và hành trì hai pháp quán trước, tức “quán mặt trời lặng” và “quán nước đóng thành băng”.

Thế giới Cực lạc là như thế, mà hết thảy các thế giới của mười phương chư Phật đều chẳng ra ngoài lệ ấy. Thật sự là hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng. Tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt, điều ấy cũng được chứng thực trong kinh này. Thế giới hiện thời do loạn tưởng của chúng ta biến hiện, nên thế giới này rất loạn. Do người trong thế giới này suy nghĩ lung tung, nên tưởng ra thế giới này cũng lộn xộn. Người trong thế giới Tây Phương chuyên tưởng, nên thế giới của họ thanh tịnh. Họ chuyên tưởng, còn chúng ta loạn tưởng, nên biến hiện hai cảnh giới chẳng giống nhau.

A Di Đà Phật chuyên tưởng, hiện ra sự trang nghiêm thanh tịnh ấy. Phàm là người vãng sanh, cũng phải chuyên tưởng giống như A Di Đà Phật thì mới có thể hiện cảnh giới giống như vậy. Vì thế, tâm chẳng thanh tịnh, chẳng thể vãng sanh Tịnh Độ! Dẫu niệm Phật, mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, vẫn chẳng thể vãng sanh. Điều kiện cơ bản để vãng sanh là “tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh”, như vậy thì mới có thể cảm ứng đạo giao cùng Tây Phương Cực Lạc thế giới.

Nhất định là phải “đắc tam-muội”, bèn thấy rõ ràng. Chẳng đắc tam-muội thì là “thô kiến”, tức là thấy cảnh giới tương tự. Nếu đắc tam-muội, tam-muội ở đây thuộc loại Niệm Phật tam-muội, kinh Di Đà gọi Niệm Phật tam-muội là “nhất tâm bất loạn”. Niệm đến nhất tâm bất loạn, cảnh giới này sẽ hết sức rõ ràng, thấy rất thân thiết. Tiếp theo đây là nói đến lợi ích.

Quán đất là thật, nên có thể đoạn trừ. Thật ra, cũng chẳng thể nói điều đó là chân thật, “thật” chẳng thể coi là chân thật, bởi lẽ, những gì có hình tướng đều là hư vọng. Thực tại là chúng ta có “thật cảm”, là có cảm xúc nhận thấy chúng dường như là có thật, giống như nay chúng ta thấy đại địa, thấy bút, bàn, ghế, ghế dài, đưa tay sờ mó bèn có cảm nhận (chúng là) chân thật, nhưng chúng có phải là thật hay không? Chẳng phải là thật, có ý nghĩa này. Chẳng giống như tâm tưởng thấy mặt trời, quý vị thấy, nhưng người khác chẳng thấy. Quý vị mở mắt vẫn thấy, mà nhắm mắt cũng thấy, nhưng người khác mở mắt hay nhắm mắt đều chẳng thấy, tuy ở cùng một chỗ mà đều chẳng thấy. Vì thế, những phép Quán mặt trời và nước chẳng thể diệt tội. Còn trong phép quán đất này, có cảm nhận chân thật, công phu sâu hơn những phép Quán trước, vì người ấy (người tu Quán) đã đắc tam-muội, đương nhiên là diệt tội.

“Mỗi mỗi cảnh quán” là chỉ cả tướng riêng và chung của phần trước. “Trừ thời gian ăn” là cho phép tạm thời gián đoạn. Có bản “biệt hành” thì cho là thời gian ngủ. Còn tìm hiểu các bản xưa, thì thấy đều ghi là thời gian ăn. Bởi vì người phàm, thì ngủ là việc tự nhiên, đâu cần phải trừ ra? Hoặc có người cho rằng, Đại thừa, Tiểu thừa khi ăn đều đã có pháp quán riêng, nên phải trừ ra. Ở đây chỉ hạn cuộc trong chúng tu tập, chứ không nói chung cho tất cả. Nay cho rằng các pháp quán khác không chọn thời gian và địa điểm. Còn ở đây quán Thánh cảnh, theo lẽ phải tôn kính. Nếu khi ăn mà khởi quán tưởng thì không có lòng tôn kính. Phần Pháp quán tượng trong kinh Quán Phật Tam Muội ghi: “Quán tưởng thành rồi thì chỉ trừ khi ăn, khi đại tiểu tiện, còn trong mọi thời gian khác thường quán tưởng tượng Phật”. Đây là minh chứng không thể thay đổi được! Khi tâm vừa mới quán tưởng thì chưa thành tựu định lực. Cho nên nói thấy thô, ý nói thấy chưa rõ ràng cảnh sở quán.

Tam-muội, âm chính xác là Tam-ma-địa, là Chánh định, Đẳng trì. Quán tưởng thành tựu thì không cần tác ý mà tự nhiên khế hợp, thấy đất rõ ràng. Như người học bắn cung, khi mới tập bắn thì chưa giỏi, nhưng về sau thành thạo rồi, bắn phát nào trúng phát đó. Ngôn ngữ và suy nghĩ không thể nào thấu triệt, chỉ chứng đắc mới có thể nhận biết được, nên bảo “không thể nói hết”.

Phật Bảo A-nan là bởi hai pháp quán trước chỉ là dùng vật ở phương này để làm cơ sở phát khởi pháp quán tưởng. Đến pháp quán đất báu thì tâm đã thông đạt cõi kia, nhất định thoát được khổ, phá chướng, trừ nghi. Phó chúc việc truyền bá giáo pháp là ý này vậy! Nói khởi quán như vậy là chỉ cho pháp quán trước, tâm cảnh đã tương xứng, giáo hạnh không trái nhau.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

                    

Chùa Phước Viên