Sáng 14/04/2024 (nhằm ngày 06/03 Giáp Thìn), TT.Thích Quảng Thiện đã có buổi thuyết giảng về phẩm “Từ Thị thuật chỗ thấy” – phẩm thứ 39 trong kinh Đại thừa Vô lượng thọ, nhân khóa tu Ngày an lạc tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Mở đầu thời khóa, Thượng tọa khẳng định, tông chỉ của phẩm này là chứng tín, trừ nghi. Qua đó, Ngài Từ Thị thuật lại những điều mình thấy nhằm xác chứng lời Phật dạy vô cùng chân thật. Ấy là bởi đại chúng chỉ biết được những điều trang nghiêm của y báo cõi Cực Lạc qua lời Phật giảng, nên ở đây, Ngài Di Lặc bèn tường thuật những điều chính mắt Ngài thấy cho thánh chúng hiện diện trong pháp hội được biết.
Theo đó, Ngài nêu lên việc mình thấy những chúng sanh bị rớt vào hàng Thai Sanh trong nghi thành, để chỉ rõ nỗi tai hại của lòng nghi hoặc. A Nan kết tập Kinh tạng, Từ Thị đương lai hạ sanh; vì thế, Phật đem pháp môn vi diệu này phó chúc cho hai vị. Trước hết, Phật nói đến những điều trang nghiêm mầu nhiệm trong cõi Cực Lạc như cảnh chư thiên mưa hoa, bảo hai vị nhìn làm chứng.
“Sắc cứu cánh thiên” chính là một cõi trời thuộc các tầng trời Tịnh Cư, là cõi trời thù thắng nhất trong sắc giới, là chỗ ở của bậc Thánh đã chứng quả Bất hoàn. Bất hoàn tiếng Phạn là A Na Hàm. Bậc này đã đoạn sạch chín phẩm tư hoặc của dục giới, chẳng tái sanh trong dục giới nữa, nên sanh vào sắc giới hoặc vô sắc giới. Vì nghĩa đó, gọi là Bất hoàn quả.
Cõi trời Tịnh Cư gồm có năm tầng trời: Một là Vô Phiền Thiên, hai là Vô Nhiệt Thiên, ba là Thiện Hiện Thiên, bốn là Thiện Kiến Thiên, năm là Sắc Cứu Cánh Thiên. Sách Câu xá tụng chép: “Năm cõi trời này gọi là Tịnh Cư Thiên, chỉ có Thánh nhân sống, không có các loài khác sống lẫn vào nên gọi là Tịnh Cư”.
Ở đây, Từ Thị Bồ-tát trông thấy chư Thiên rải hoa, quả thật chứng thực điều kinh đã nói trong phần trước: Hết thảy chư Thiên đều cầm trăm ngàn hương hoa, muôn thứ kỹ nhạc cúng dường Đức Phật ấy. Những thứ trang nghiêm y báo mà Ngài đã thấy lại chứng thực nguyện thứ ba mươi chín: Muôn vật trong nước hình sắc đều đặc biệt, lạ lùng, cùng vi cực diệu, nghiêm tịnh sáng đẹp chẳng thể tính kể nổi.
Tiếp đó, Ngài trực tiếp được nghe Phật Di Ðà thuyết pháp. Pháp âm vang dội phổ độ mười phương. Ðiều ấy chứng thực lời kinh dạy: Tiếng Phật như phạm lôi chấn, âm thanh diễn xướng thông suốt vi diệu gồm đủ cả tám giọng, và Bồ Ðề thọ vương vô lượng âm thanh diệu pháp. Âm thanh ấy lưu truyền trọn khắp các cõi nước Phật. Tiếng thuyết pháp của thọ vương lại chính là tiếng Phạm âm của Phật Di Ðà vậy.
Ðiểm thứ ba là thánh chúng trong cõi ấy du hành thập phương, cúng dường chư Phật. Ðiều này chứng thực sự thành tựu của lời nguyện thứ mười một: “Nguyện cúng khắp chư Phật”.
Thứ tư là Ngài thấy thánh chúng niệm Phật liên tục, đây chính là cốt lõi của các lời nguyện của Phật Di Ðà: Nhất thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh độ khắp ba căn, gồm thâu vạn loại. Phàm phu mười niệm chứng ngay lên Bất thoái; đại sĩ tu tập nhanh chóng, hàng thập địa cũng chẳng rời niệm Phật. Vì thế, phàm phu niệm Phật liền được vãng sanh. Ðã vãng sanh rồi vẫn niệm Phật, niệm niệm tiếp nối cho đến cùng tột đời vị lai. Bởi lẽ đó, Phật bảo đại sĩ Di Lặc đích thân nhìn sự việc này để làm chứng.
Năm là Phật bảo ngài Di Lặc nhìn xem các loài chim thuyết pháp để chứng thực điều đã được dạy trong kinh Tiểu Bổn: Các loài chim ấy đều là do A Di Ðà Phật muốn cho pháp âm được truyền bá rộng khắp mà biến hóa ra.
Câu cuối phẩm này “Vì nhân duyên nào mà nhân dân cõi ấy lại có kẻ thai sanh, kẻ thì hóa sanh?”. Thai sanh là vì dùng cái tâm ngờ vực tu các công đức, nguyện sanh Cực Lạc, ngờ vực chẳng tin Ngũ Trí của Phật, nhưng vẫn tin vào tội phước, tu tập cội lành. Họ vẫn được sanh về Cực Lạc nhưng trong năm trăm năm, hoa sen chẳng nở, ở mãi trong hoa thai, chẳng được gặp Phật, nghe pháp nên gọi là “thai sanh”, hay còn gọi là “biên địa”. Ý nói: Gọi là “thai sanh” vì kẻ đó nghi hoặc chưa hết, ám chướng vẫn còn nên chưa thể thấy Phật, nghe pháp. Vì vậy, dùng chữ “thai” để sánh ví.
Hình ảnh tại buổi giảng:
Nguồn: Sen Vàng OnlineTV