Sáng 06/10/2024 (04/9/Giáp Thìn), trong khóa tu “Ngày An lạc” tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), HT.Thích Nhựt Hỷ đã có buổi thuyết giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, trong đó nhấn mạnh về “Pháp quán 5: Quán ao báu, 8 thứ công đức”.
Nói về cách quán ao bảy báu, Hòa thượng giảng: Ao có lớn, nhỏ, vuông, tròn. Những ao bảy báu giống như vậy trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, cũng là vô lượng vô biên. Thế giới Tây Phương thuộc loại Pháp Tánh Độ, thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Do đó, xưa nay kẻ hoài nghi thế giới Tây Phương rất nhiều. Chúng sanh trong mười phương thế giới đều vãng sanh thế giới Tây Phương, rốt cuộc thế giới Tây Phương lớn cỡ nào? Có thể dung nạp hay chăng? Nhất là xem từ kinh điển, người trong thế giới Tây Phương thân tướng lớn như vậy, cây cối cũng to như vậy, nơi ấy phải lớn cỡ nào, thì mới có thể dung nạp được? Vì lẽ đó, vọng niệm ngày càng nhiều hơn.
Bất luận người ấy tưởng tượng như thế nào, cũng chẳng có cách nào tưởng tượng trạng huống trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, mà cũng chẳng có cách nào chứng thực. Đó là do chẳng hiểu căn cứ lý luận, chẳng giống các cõi nước của chư Phật trong mười phương thế giới, chúng ta thường nói các thế giới ấy do Pháp Tướng tạo thành, chúng là Pháp Tướng độ, còn Tây Phương Cực Lạc thế giới là Pháp Tánh độ. Như kinh Hoa Nghiêm đã nói, Pháp Tánh là “một và nhiều vô ngại, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”; pháp tướng thì có chướng ngại.
Hết thảy các vật chất trong cõi chúng ta do đâu mà có? Quá trình biến hiện của chúng là do một niệm bất giác mà có vô minh. Từ vô minh sanh ra ba tướng vi tế là Nghiệp Tướng, Chuyển Tướng, Cảnh Giới Tướng. Nghiệp Tướng là tướng động, kinh Lăng Nghiêm nói, bản tánh của nó là “bất thủ tự tánh”, chẳng tuân giữ tự tánh bèn là Nghiệp Tướng của A Lại Da Thức. Do không tuân giữ tự tánh, bèn lập tức biến thành Kiến Tướng, biến thành Năng Kiến (cái chủ thể có thể thấy), tức là nói đến Kiến Phần trong bốn phần. Nếu kiến phần muốn thấy, sẽ biến thành Tướng phần. Tướng do đâu mà có? Tướng do Kiến phần biến ra. Nguyên lý của mười sáu phép Quán được căn cứ trên điều này, quý vị nhất tâm nhất ý muốn thấy, tướng liền hiện ra.
Do vậy, vật chất do đâu mà có? Vật chất từ tinh thần biến hiện, tâm và vật có cùng một nguồn. Tinh thần và vật chất đều biến hiện từ tự tánh. Không chỉ Tướng Phần là hư vọng, mà Kiến Phần cũng là hư vọng. Kiến phần là tám thức, năm mươi mốt Tâm sở, hai mươi bốn pháp bất tương ứng, những thứ này đều thuộc về Kiến phần. Tướng Phần gồm mười một sắc pháp. Hai pháp sắc và tâm đều là vật được biến hiện bởi tự tánh. Đó là nói theo pháp tướng, Tây Phương Cực Lạc thế giới là pháp tánh; do đó, cảnh giới này là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn.
Nếu trong tương lai, trong khi chúng ta niệm Phật, niệm Phật đến mức tâm thanh tịnh, duyên chín muồi, Phật lực gia trì, chúng ta thấy cảnh giới này; sau khi đã thấy, nhất định phải tưởng giống hệt như trong kinh đã nói. Quý vị thấy nước trong ao bảy báu hoàn toàn giống như kinh đã nói, chẳng có mâu thuẫn! Đó là cảnh giới tốt đẹp, đó là chánh quán. Nếu ta thấy khác với kinh nói, [hãy nghĩ xem kinh dạy] nước trong ao bảy báu do đâu mà có? Giống như trong cõi này, giống như nước suối phun ra, Như Ý Châu là nguồn nước. Sau khi từ nguồn nước ấy phun ra, nước sẽ tách thành mười bốn nhánh. Nếu quý vị thấy là mười ba nhánh tức là không đúng, chẳng phù hợp. Nếu thấy mười lăm nhánh hoặc mười sáu nhánh, cũng trật luôn! Quyết định là mười bốn nhánh, quyết định chẳng sai! Đấy mới là thật sự thấy Tịnh Độ, đó là chánh quán. Nếu chẳng phải là như vậy, sẽ là tà quán, sai mất rồi.
Ở nơi đây, chúng ta chỉ thấy nước chảy xuống, chẳng thấy nước chảy ngược lên. Nước bên cõi kia có thể lên cao, xuống thấp, không chỉ chảy xuống, mà còn chảy ngược lên trên, hết sức đẹp mắt. Nước không chảy sẽ chẳng có âm thanh. Nước vừa chảy bèn có âm thanh, âm thanh ấy lại thuyết pháp.
Phần kinh văn tiếp theo dạy về các pháp Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã là Tiểu Thừa. Như chúng ta là phàm phu hoặc Tiểu Thừa phát tâm, phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng đoạn phiền não, tập khí, nghe Phật, Bồ-tát, tình và vô tình thuyết pháp, quá nửa là nói những pháp này, giúp cho chúng ta chuyển phiền não thành Bồ đề, nên nghe những pháp ấy. Nếu là chúng sanh căn tánh viên đốn, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, họ sẽ nghe pháp là các Ba-la-mật. Do đó, câu này nói chung về Phật pháp Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa, chắc chắn là ứng cơ thuyết pháp. Ta muốn nghe pháp gì, tức là ta cần thiết, mong được nghe pháp ấy, sau khi đã nghe bèn đạt được pháp ích (lợi ích nơi pháp), chẳng thể nghĩ bàn!
Một số hình ảnh tại buổi giảng:
Chùa Phước Viên