"Không làm mọi điều ác Thành tựu các hạnh lành Tâm ý giữ trong sạch Chính lời chư Phật dạy" (Kinh Pháp cú, câu 183)

Khóa tu “Ngày An Lạc”: Pháp thoại của ĐĐ.Thích Giác Thái chủ đề “Chí nguyện xuất gia”

Sáng ngày 17/03/2024 (nhằm ngày 08/02 Giáp Thìn), tại chùa Phước Viên (số 318, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), ĐĐ.Thích Giác Thái đã có buổi chia sẻ pháp thoại chủ đề: “Chí nguyện xuất trần”, nhân kỷ niệm ngày Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia.

Theo lời chia sẻ của Đại đức, dù cách nay đã gần 26 thế kỷ, ý nghĩa ngày Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia vẫn còn in đậm trong tâm tư của tất cả những người con Phật. Một lần ra đi, Ngài đã thành công rực rỡ, vang động bốn phương, mang lại vô vàn lợi lạc cho muôn loài chúng sanh, âm hưởng vẫn còn vang đến ngày nay và mãi mãi vô tận về sau. Là người con Phật, kể cả tại gia và xuất gia, lẽ nào chúng ta lại không học theo hạnh nguyện của đấng Từ Phụ.

Đại đức nhấn mạnh: “Nếu cho rằng Ngài đã nhiều kiếp tu hành, không phải chỉ một kiếp như trong sử đã ghi chép, thì chúng ta chỉ mới trải qua một kiếp tu hành mà thôi. Do đó, chúng ta phải cố gắng tu tập để có một vài nét gì đó giống như Phật, như câu nói của người thế gian là “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Nhân kỷ niệm ngày Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia, chia sẻ lại hạnh nguyện của Ngài chính là sự nhắc nhở hàng Phật tử tại gia cũng như xuất gia, noi theo gương sáng của Ngài để tu hành, để tinh tấn, để tăng trưởng trí tuệ và hướng đến con đường giải thoát”.

Những hạnh nguyện của Đức Phật, cùng ý chí xuất trần của Ngài, giúp người tại gia tăng trưởng niềm tin, gia tăng sự tinh tấn và trưởng dưỡng những yếu tố tâm linh trong mỗi người, cũng như đem lại sự an lạc cho gia đình và những người xung quanh. Tiến hơn một bước nữa, người tại gia nuôi dưỡng ý chí xuất trần để khi đủ điều kiện họ cũng từ bỏ con đường thế tục và đứng trong hàng ngũ của Tăng đoàn, có thể ngay trong kiếp sống này cũng có thể trong kiếp sống vị lai.

Nhìn lại gương của một vị Hoàng Thái Tử dám từ bỏ cung vàng điện ngọc đi vào rừng sâu núi thẩm, người cư sĩ tại gia sẽ học được bài học rằng những dục lạc, những hạnh phúc của thế gian chỉ là tạm bợ, không phải là chân hạnh phúc. Tuy người tại gia chưa hoàn toàn từ bỏ được chúng, nhưng không nên tham đắm hay dính mắc vào ngũ dục quá nhiều, chỉ nên xem những thứ ấy như là phương tiện để sinh sống mà thôi.

Thật ra, các cư sĩ tại gia, nếu chí thành học Phật cũng có nhiều thành tựu lớn lao. Họ là những người mà “thân không xuất gia, nhưng tâm xuất gia”. Thân của họ tuy chưa đủ duyên để vào ở chùa, nhưng tâm của họ không còn ham thích các thú vui của năm dục và cũng không màng danh lợi.

Tóm lại, nói về một ngày lễ kỷ niệm xuất gia của Đức Phật dù cho dưới muôn vạn hình thức, cũng không ngoài sự tán thán công đức cao vời của Đấng Từ Phụ. Thông qua những phương diện tán thán nhằm khuyến khích những người con Phật, dù là xuất gia hay tại gia đều phải tinh tấn tu tập để có được niềm an lạc, cuối cùng là đạt được sự giải thoát có thể ngay trong đời này cũng có thể trong kiếp sống vị lai. Một niềm tin vĩ đại mà Đức Phật đã cho tất cả chúng sanh là: “Tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật”. Đức Phật đã khai thị cho loài người biết rằng: “Bất cứ một người nào, với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể vươn lên tới đỉnh cao nhất của giác ngộ và giải thoát, như chính Đức Phật vậy”.

 

Hình ảnh tại buổi pháp thoại:

Thực hiện: Diệu Thanh – Minh Tâm
(Nguồn: Sen Vàng OnlineTV)