"Không làm mọi điều ác Thành tựu các hạnh lành Tâm ý giữ trong sạch Chính lời chư Phật dạy" (Kinh Pháp cú, câu 183)

Khóa tu “Ngày An Lạc”: TT.Thích Đức Trường giảng về “Nghiệp báo – nhân quả”

Sáng 04/8/2024 (01/7/Giáp Thìn), TT. Thích Đức Trường đã có buổi thuyết giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, chủ đề “Nghiệp Báo – Nhân Quả” trong khóa tu Ngày An lạc được tổ chức hàng tuần tại chùa Phước Viên (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Nhân quả là một định luật tất nhiên nêu rõ sự tương quan, tương duyên giữa nhân và quả, không phải có ai sinh, cũng không phải tự nhiên sinh. Nếu không có nhân thì không thể có quả, nếu không có quả thì cũng không có nhân. Nhân nào quả nấy, không bao giờ nhân quả tương phản hay mâu thuẫn nhau. Nói cách khác, nhân quả bao giờ cũng đồng một loại.

Hiểu và tin vào luật nhân quả, Phật tử sẽ không mê tín dị đoan, không lo sợ hoang mang. Biết cuộc đời mình là do nghiệp nhân của chính mình tạo ra, người Phật tử với lòng tự tin, có thêm sức mạnh to lớn sẽ làm những hành động tốt đẹp thì chắc chắn nghiệp quả sẽ chuyển nhẹ hơn, chứ không phải trả đúng quả như lúc tạo nhân.

Nếu làm tốt, biết tu thân, giữ giới, tu tâm, nghiệp có thể chuyển hoàn toàn. Khi biết mình là động lực chính của mọi thất bại hay thành công, người Phật tử sẽ không chán nản, không trách móc, không ỷ lại, có thêm nhiều cố gắng, có thêm tự tin để hoàn thành tốt mọi công việc. Biết giá trị của luật nhân quả, người Phật tử khi làm một việc gì, khi nói một lời gì, nên suy nghĩ trước đến kết quả tốt hay xấu của nó, chứ không làm liều, để rồi phải chịu hậu quả khổ đau trong tương lai.

Nghiệp và Quả Báo: Như trên đã nói, nghiệp là sản phẩm của thân, khẩu, ý, như hạt giống được gieo trồng, còn quả báo là kết quả của nghiệp, như cây trái. Khi thân làm việc tốt, khẩu nói lời hay, ý nghĩ chuyện đẹp, thì nghiệp là hạt giống thiện. Ngược lại thì nghiệp là hạt giống ác. Chính vì vậy mà Đức Phật dạy: “Muốn sống một đời cao đẹp, các con phải từng ngày từng giờ cố gắng kiểm soát những hoạt động nơi thân khẩu ý chớ đừng để cho những hoạt động nầy làm hại cả ta lẫn người”. Nghiệp và quả báo tương ứng không sai chạy. Giống lành sanh cây tốt quả ngon, trong khi giống xấu thì cây xấu quả tệ là chuyện tất nhiên. Như vậy, trừ khi nào chúng ta hiểu rõ ràng và hành trì tinh chuyên theo luật nhân quả hay nghiệp báo, chúng ta không thể nào kiểm soát hay kinh qua một cuộc sống như mình ao ước.

Theo Phật Pháp thì không có thiên thần quỷ vật nào có thể áp đặt sức mạnh lên con người, mà mỗi người có hoàn toàn tự do xây dựng cuộc sống theo cách mình muốn. Thượng tọa chỉ rõ: “Nếu chúng ta tích tụ thiện nghiệp, thì quả báo phải là hạnh phúc sướng vui, chứ không có ma quỷ nào có thể làm hại được chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta gây tạo ác nghiệp, dù có lạy lục van xin thì hậu quả vẫn phải là đắng cay đau khổ, không có trời nào có thể cứu lấy chúng ta….Cho dù đó là hàng vua chúa ( là do quả của mười thiện nghiệp đã gieo được đó từ vô thỉ kiếp)”.

Chính vì vậy, Phật thuyết kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật – Ngài đã thuyết về nhân quả, về bi kịch của gia đình hoàng tộc vua Tần Bà Sa La, bà hoàng hậu Vi Đê Hi và Thái tử A Xà Thế. Khi nhân quả – nghiệp báo hội tụ thì không chừa bất cứ một ai, cho dù đó là địa vị cao tột cùng trong xã hội. Vua Tần Bà Sa La bị quả báo là do gieo bất thiện nghiệp, chính là ép chết 1 vị tu đạo chết sớm để vị đạo sư này đầu thai sớm làm con trai của mình (Thái tử A Xà Thế).

Bà hoàng hậu Vi Đê Hi bị nghiệp báo – quả báo là phải sống trong cảnh gia đình mà con trai do chính mình rứt ruột sinh ra, lại hãm hại giết chồng (Vua Tần Bà Sa La), cũng chính là cha ruột của Thái Tử A Xà Thế. Nỗi đau khổ khi phải sống trong cảnh oan trái này – do chính nguyên nhân là không ngăn cản vua Tần Bà Sa La không ép vị đạo sư kia chết sớm. Để mặc cho chồng làm việc bất thiện. Vì vậy Đức Phật đã dạy cho bà Vi Đê Hi niệm lục tự di đà để thoát khổ, để định hướng tiếp cho cuộc sống của mình khi bà Videhi chọn cõi Tây Phương Cực Lạc.

Kinh Trung bộ Ðức Phật dạy rằng: “Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, là quyến thuộc của nghiệp; nghiệp là thai tạng mà đó con người được sinh ra”. Từ đây, có thể thấy rằng nghiệp (karma) luôn luôn có mặt cùng với sự có mặt của con người. Và khi chết, thì thân thể vật lý này tan hoại, còn nghiệp vẫn còn tiếp tục trôi lăn theo dòng trầm luân của nó (hoặc thiện nghiệp, hoặc ác nghiệp). Nhưng nghiệp không phải là linh hồn bất tử để nối kết các kiếp sống, vì bản thân nó là vô ngã. Tuy nhiên, chính nghiệp là cơ sở, là điểm trung tâm, để qua đó, vòng luân hồi xoay chuyển. Vậy, nghiệp là gì?

Nghiệp là hành động có tác ý, hay hành động được phát sinh từ tâm; và thông qua hành động của thân, miệng và ý mà nghiệp được hình thành. Nói đến nghiệp là nói đến thiện ác trong tương quan nhân quả; và trong mối tương quan đó, động cơ chính để kiến tạo nghiệp là tham , sân, si (ác nghiệp) và ngược lại là không tham, không sân, không si (thiện nghiệp).

Thượng tọa khẳng định: “Như vậy, chính tâm lý của con người là cơ sở để tạo nên nghiệp của mỗi người. Con người là kẻ quyết định cái nghiệp của mình – cái định nghiệp do mình tạo tác. Và cũng chính con người là kẻ duy nhất có thể giải thoát mọi nghiệp lực của mình, đi ra khỏi vòng luân hồi tái sinh”.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

Nguồn: Sen Vàng OnlineTV