Sáng 29/9/2024 (27/8/Giáp Thìn), TT. Thích Trí Huệ đã có buổi thuyết giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật – Pháp quán 4: “Quán tưởng 7 lớp cây báu”, nhân khóa tu “Ngày An lạc” tổ chức vào chủ nhật hàng tuần tại chùa Phước Viên (số 318, Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Thượng tọa đã khai tâm mở trí cho hành giả tu theo Tịnh độ cách Quán cây báu, quán từng điều một: Tưởng bảy lớp hàng cây, mỗi cây cao tám ngàn do-tuần. Các cây báu ấy, hoa và lá bằng bảy báu, không gì chẳng trọn đủ.
Thật ra, đây phép Thụ Quán. Càng nói đến những phép Quán về sau, cảnh giới càng thù thắng, càng vi tế. Phải quán những cây ấy rành mạch, cây lại cao đến tám ngàn do-tuần như thế. Một do-tuần chúng tôi nói theo cách tính nhỏ nhất. Làm sao quán tưởng thân, cành, lá, hoa, quả của cây ấy? Do đó, xác thực là khá khó khăn! Cổ nhân nói: “Chúng ta ở nơi đây, phàm phu tâm thô cảnh tế. Quán tưởng khó thành, chẳng dễ gì quán thành công”. Lại xem những tướng kế tiếp, đó là tế tướng (tướng vi tế, tướng trạng chi tiết).
Màu sắc của báu vật và ánh sáng năm sắc chiếu soi, đan xen lẫn nhau. Màu xanh biếc của lưu ly phát ra ánh sáng màu vàng, màu xanh pha lê phát ra ánh sáng màu hồng, màu đỏ mã não phát ra ánh sáng màu trắng, màu trắng xa cừ phát ra ánh sáng màu xanh lục. Nếu căn cứ theo kinh A-di-đà (Đại bản), các cây bảy báu như hổ phách đầy khắp thế giới, những loại cây vàng, bạc, lưu ly, pha lê, san hô, hổ phách, mã não và xa cừ, hoặc có hai báu, ba báu, cho đến bảy báu hợp thành. Đầy đủ như bản kinh ấy đã giải thích, gọi là được trang nghiêm bằng các loại báu.
Chúng ta vừa đọc vừa tưởng tượng cảnh giới này, tưởng tượng không ra! Tuy chúng ta là phàm phu, phu nhân Vi-Đề-Hy cũng là phàm phu, nhưng bà ta nghe Đức Phật nói liền thuận theo lời giảng ấy để nhập quán. Bộ kinh này được giảng xong, phu nhân Vi-Đề-Hy liền chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, đắc Lý nhất tâm bất loạn. Vị phu nhân này thiện căn sâu dầy, tâm tinh tế, nên có thể thuận theo kinh văn để nhập quán, hiện thời chúng ta chẳng quán được! “Năm trăm ức cung điện diệu hoa”: Trong ấy còn có cung điện, trong cung điện có người. Mỗi một đứa bé trai. Mỗi người trên thân đều trang sức bằng anh lạc. “Anh lạc” nói đơn giản là Như Ý Bảo Châu. Xâu Như Ý Bảo Châu thành chuỗi anh lạc. Sự tốt đẹp này chẳng thể diễn tả được.
Cảnh giới ấy vẫn là vô lượng đức năng vốn sẵn trọn đủ trong Chân Như bản tánh. Trong khi tâm địa của chúng ta thanh tịnh, cảnh giới thù thắng nhiệm mầu ấy sẽ hiện tiền. Nay chúng ta nói đến cảnh giới này, nhưng trên thực tế, cảnh giới chẳng thể hiện tiền. Đức Phật đã giảng giải, nhưng chúng ta chẳng có cách nào tưởng tượng để quán tưởng. Đó là do phiền não, vô minh, nghiệp chướng của chúng ta quá nặng, khiến cho công đức trong bản tánh chẳng thể thấu lộ. Thế nhưng cảnh giới này vẫn chưa thấm vào đâu, còn có quán cảnh mầu nhiệm hơn. Hãy xem đoạn kinh văn tiếp theo.
Càng chẳng thể nghĩ bàn! Trong quang minh hiện ra tràng phan, lọng báu. Vì thế, nói “sanh về thế giới Tây Phương là sanh vào các thế giới của mười phương hết thảy chư Phật”, vì sao? Từ cây báu thấy trọn mười phương vô lượng vô biên thế giới giống như chúng ta đang xem trực tiếp trên ti vi trong hiện thời.
Chúng ta ngồi trong nhà, những chuyện phát sanh tại nơi nào đó trên toàn thế giới, từ màn hình TV chúng ta đều thấy được. Trong quang minh nơi cây báu của Tây Phương Cực Lạc thế giới, có thể thấy tận hư không khắp pháp giới hết thảy các cõi nước Phật, có thể thấy hết thảy chư Phật đang giảng kinh, thuyết pháp, hóa độ chúng sanh trong ấy, cũng có thể thấy những chuyện vụn vặt trong cuộc sống gia đình của hết thảy chúng sanh, đều thấy toàn bộ.
Vì thế, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới tốt lắm! Chúng ta ở trong thế giới này, ví như quê tôi ở Đại Lục, tôi chẳng thấy người nhà, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới đều thấy, thấy hằng ngày, luôn luôn thấy, hoàn toàn chẳng có chướng ngại. Lại còn bảo cùng quý vị, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, không chỉ thấy thế giới hiện tiền này, mà quá khứ cũng thấy, vị lai cũng thấy.
Mười phương ba đời, tình và vô tình thảy đều hiện trong quang minh, chẳng thể nghĩ bàn! Quý vị thật sự liễu giải trạng huống trong thế giới Tây Phương, há có lẽ nào chẳng cầu sanh? So sánh giữa hai thế giới đôi chút, sẽ luôn hy vọng lập tức về ngay bên đó. Đến nơi ấy mới thật sự là hết thảy thành tựu, hết thảy thỏa nguyện. Các nguyện vọng mà tâm ta nghĩ đến đều được thực hiện, những điều chưa nghĩ đến cũng hiện tiền.
Một số hình ảnh tại buổi giảng:
Chùa Phước Viên