Sáng 26/5/2024 (19/4/Giáp Thìn), TT.Thích Minh Nhật đã có buổi thuyết giảng “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ”, phẩm thứ 43 “Chẳng phải là tiểu thừa” nhân khóa tu Ngày An lạc tại chùa Phước Viên (số 318, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Kinh văn trong phẩm này khuyên trì danh, đủ thấy rằng bổn nguyện của Đức Di Ðà thật sự là mong mỏi chúng sanh một bề chuyên niệm danh hiệu A Di Ðà Phật. Ở đây, kinh nêu rõ mười phương thánh chúng vãng sanh được lợi ích để khiến cho chúng sanh tin ưa, phát nguyện.
Đức Phật tán dương những người niệm Phật như thế “ở trong pháp ta đáng được gọi là đệ tử bậc nhất”. Vì cớ sao? Vì pháp môn Niệm Phật thật là bậc nhất, thật khó tin nhất. Ðối với “nhất thiết thế gian nan tín chi pháp” (pháp hết thảy thế gian khó tin được nổi này) mà sanh nổi lòng tin chân thật, phụng hành đúng như lời dạy thì đáng xưng tụng là bậc nhất vậy.
Ðó là vì kinh này là kinh bậc nhất của Tịnh tông, giảng về nhân địa, nguyện hạnh của Phật Di Ðà, y báo, chánh báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc, chánh nhân vãng sanh của ba bậc, nhân quả uế – tịnh của hai cõi, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại v.v… không điều gì chẳng bao gồm. Bởi thế, “phải nên đối với kinh này tưởng như đạo sư”, kính vâng theo kinh giáo, phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm.
Ðức Thế Tôn lại dạy: Phàm muốn làm cho vô lượng chúng sanh mau chứng bất thoái, và muốn thấy “cõi Phật thù thắng quảng đại trang nghiêm”, nguyện học theo Phật cũng như để tự nhiếp thọ cõi Phật, dùng các sự quảng đại thù thắng như thế độ khắp các căn, rộng thâu vạn loại hòng viên mãn công đức thì phải nên khởi lòng tinh tấn nghe nhận pháp môn này.
Vì cớ sao là lời đức Phật tự hỏi, tiếp đó, Phật dùng cả hai khía cạnh thuận và nghịch để giảng rõ thêm: Một là như trong phẩm Bồ Tát Vãng Sanh đã thuật, vô lượng vô số các vị Bồ Tát trong mười phương thế giới đều cầu pháp môn vi diệu này, tôn trọng lắng nghe, tin nhận, phụng hành, đều sanh về Cực Lạc.
Hai là trái lại, “có nhiều vị Bồ Tát muốn nghe kinh này mà chẳng được nghe”. Ðây là dùng điều tương phản để khuyến dụ vững tin. Cuối phẩm, để tổng kết toàn phẩm, đức Từ Tôn từ bi phó chúc, phủ dụ: “Vì thế, các ông phải nên cầu pháp này”.
Hình ảnh tại buổi giảng:
Nguồn: Sen Vàng Online