"Không làm mọi điều ác Thành tựu các hạnh lành Tâm ý giữ trong sạch Chính lời chư Phật dạy" (Kinh Pháp cú, câu 183)

Khóa tu “Ngày An Lạc”: TT.Thích Pháp Huệ giảng về pháp quán thứ 6 trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật

Nhân khóa tu “Ngày An lạc”, tổ chức vào chủ Nhật hàng tuần tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), sáng 13/10/2024 (11/9/Giáp Thìn), TT.Thích Pháp Huệ đã có buổi thăm và thuyết giảng về “Pháp quán 6: Tổng tưởng quán” trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật.

Trong cõi nước bằng các thứ báu, nơi mỗi khu vực có năm trăm ức lầu báu, đấy là nói tới lầu gác. Trong các lầu gác ấy, có vô lượng chư thiên trỗi kỹ nhạc cõi trời. Lại có nhạc khí treo lơ lửng trên hư không, như tràng báu cõi trời, không đánh mà tự kêu. Trong các âm thanh ấy, đều nói niệm Phật, niệm Pháp, niệm tỳ-kheo Tăng.

Trong lầu gác có âm nhạc diễn tấu. Bên ngoài lầu gác có thiên nhạc, những thứ âm nhạc ấy đều đang thuyết pháp. Giảng kinh, thuyết pháp nghe hồi lâu sẽ khô khan, vô vị, nên lại kèm theo ca múa. Vì thế, trong khi giải trí (người trong cõi Cực Lạc) được huân tu Phật pháp. Do đó, nếu nói theo cách hiện thời, giáo học tại Tây Phương Cực Lạc thế giới là nghệ thuật. Có thể nói là thế giới Tây Phương đã vận dụng nghệ thuật đạt đến tột đỉnh. Vì thế, người thích ca hát, thích nhảy múa, thích xem tuồng, hãy đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thế giới Tây Phương kèm theo ca múa, hoàn toàn khác Tiểu Thừa, Tiểu Thừa cấm ngặt xem, nghe. Thế giới Tây Phương khắp nơi đều là như vậy, lúc nào cũng đều có thể thấy, lúc nào cũng đều có thể nghe. Nội dung thuần túy là Phật pháp.

Trong Đại Tạng Kinh có kịch bản, ca phổ đã thất truyền, nhưng ca từ vẫn còn và trong tập thứ hai của Trung Hoa Đại Tạng Kinh có không ít bản ca từ, đều để hát, tức là lời bài hát, nội dung hết sức phong phú, còn kịch là kịch bản của Bình Kịch tức Quy Nguyên Kính.

Trong Quy Nguyên Kính, nội dung trong ấy là chuyện về Tịnh Độ Tông Huệ Viễn đại sư, đó là đoạn thứ nhất. Đoạn thứ hai là chuyện về Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư; đoạn cuối cùng là chuyện của Liên Trì đại sư. Sự xuất gia, tu hành, hoằng pháp của các Ngài đều được đưa lên sân khấu biểu diễn. Lời ca cũng viết rất hay, do người thuở trước biên soạn, họ đã đưa Phật pháp lên biểu diễn trên sân khấu.

Tây Phương Cực Lạc thế giới đã vận dụng hết thảy Phật pháp vào phương thức ca kịch để giáo hóa chúng sanh. Vì lẽ đó, học Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là sống động, chẳng khô khan như vậy. Suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật khá vất vả, học Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là học tập có thể kèm theo ca vũ.

Hết thảy các vật chất trong cõi chúng ta do đâu mà có? Quá trình biến hiện của chúng là do một niệm bất giác mà có vô minh. Từ vô minh sanh ra ba tướng vi tế là Nghiệp Tướng, Chuyển Tướng, Cảnh Giới Tướng. Nghiệp Tướng là tướng động, kinh Lăng Nghiêm nói bản tánh của nó là “bất thủ tự tánh”, chẳng tuân giữ tự tánh bèn là Nghiệp Tướng của A Lại Da Thức. Do không tuân giữ tự tánh, bèn lập tức biến thành Kiến Tướng, biến thành Năng Kiến (cái chủ thể có thể thấy), tức là nói đến Kiến Phần trong bốn phần do tông Duy Thức lập ra nhằm giải thích bản thể và tác dụng của Thức, gồm Tướng Phần, Kiến Phần, Tự Chứng Phần và Chứng Tự Chứng Phần.

Nếu Kiến Phần muốn thấy, sẽ biến thành Tướng Phần. Tướng do đâu mà có? Tướng do Kiến Phần biến ra. Nguyên lý của mười sáu phép Quán được căn cứ trên điều này, quý vị nhất tâm nhất ý muốn thấy, tướng liền hiện ra. Do vậy, vật chất do đâu mà có? Vật chất từ tinh thần biến hiện, tâm và vật có cùng một nguồn. Tinh thần và vật chất đều biến hiện từ tự tánh. Không chỉ Tướng Phần là hư vọng, mà Kiến Phần cũng là hư vọng. Kiến Phần là tám thức, năm mươi mốt Tâm Sở, hai mươi bốn pháp bất tương ứng, những thứ này đều thuộc về Kiến Phần. Tướng Phần gồm mười một sắc pháp. Hai pháp sắc và tâm đều là vật được biến hiện bởi tự tánh. Đó là nói theo pháp tướng. Tây Phương Cực Lạc thế giới là pháp tánh; do đó, cảnh giới này là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn.

 

Một số hình ảnh tại buổi thuyết giảng:

        

             

Chùa Phước Viên