Sáng ngày 07/01/2024 (26/11 Quý Mão), nhân khóa tu “Ngày an lạc” được tổ chức hàng tuần tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). TT. Thích Quảng Lực đã có buổi thuyết giảng Kinh “Đại Thừa Vô Lượng Thọ”, phẩm thứ 36 “Bao lượt khuyên lơn”.
Kinh này nói về cái họa do ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu sanh ra, nghĩa là: Ác, đau khổ và thiêu đốt lần lượt sanh lẫn nhau. Ðiều ác sanh ra nỗi đau đớn, thiêu đốt nên phải sanh trong ác đạo. Nhưng chúng sanh trong ác đạo ba độc quá nặng nên từ sự thiêu đốt ấy lại sanh ra các nỗi ác khổ. Bởi thế, tiếp đó kinh chép: Kẻ dám phạm vào những điều ác, ắt sẽ mãi mãi lăn lóc trong nẻo ác nên kinh dạy: “Sẽ trải thân trong đường ác”, chính cái quả do việc ác chiêu cảm. Bởi thế, kinh nêu lên tướng trạng của quả để răn đe chúng sanh ngõ hầu họ dứt bỏ nhân ác.
Tiếp đó, kinh nói: “Để làm gương cho kẻ khác thấy” là chỉ rõ quả ác này để khiến cho tất cả đại chúng đều được thấy rõ mà biết rằng nhân quả chẳng dối, sanh lòng kiêng sợ.Trong trận lửa địa ngục, kẻ ác vì đau đớn quá mức nên nổi sân, đâm ra tàn sát, đả thương lẫn nhau. Ðó chính là trong khi bị thiêu đốt lại gây thêm tội ác, kết thành oán cừu nên bảo là “oán gia”, cứ đòi nợ lẫn nhau. Do tam độc tạo ra nhân ác thì nhất định phải chịu lấy ác quả đớn đau, thiêu đốt.
Trên đây Phật răn điều ác, tiếp đó, Phật khuyên làm lành tất cả những người nghe kinh nên chuyên ròng, siêng năng tu thiện. Là tự độ, độ người, tự giác, giác tha, làm cho khắp hết thảy chúng sanh vĩnh viễn thoát khỏi hư vọng sanh tử. Siêng tu Giới, Ðịnh, Huệ; dứt bặt tham, sân, si. Cội rễ của sự luân hồi sáu đường chính là tham dục. Biển khổ sanh tử chỉ nhờ trí mới vượt nổi. Dùng gươm trí huệ chặt đứt các phiền não tham dục, vô minh v.v… chính là nhổ dứt cội rễ sanh tử. Có như vậy mới vĩnh viễn lìa khỏi nỗi khổ tam đồ. Hễ ác đã tận thì sự thiêu đốt, sự đau khổ cũng hết. Vì thế, kinh nói: “Sẽ lìa khỏi con đường tam đồ lo sợ, đau khổ”.
Tiếp đó, Phật khuyên nên đoan chánh thân tâm cho tương ứng với điều thiện. Đức Thế Tôn chỉ thẳng cách làm lành bậc nhất. Trong Tịnh tông, điều thiện bậc nhất chính là pháp môn Niệm Phật của Ðại Thế Chí Pháp Vương Tử: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối. Một tiếng Phật hiệu nhiếp trọn sáu căn nên sáu căn đều đoan chánh như Linh Phong đại sư từng bảo: “Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn chẳng thể không thành tâm Phật”. Tâm đã là Phật thì tự nhiên sáu căn đều là Phật. Bởi thế mới bảo là: “Nhĩ, mục, khẩu, tỵ, giai đương tự đoan” (Tai, mắt, miệng, mũi thảy đều nên tự đoan chánh). Tự đoan chánh là do một tiếng Phật hiệu khiến cho cả sáu căn đều tự nhiên đoan chánh, tự nhiên “thân tâm tịnh khiết, dữ thiện tương ứng”. Ðiều thiện ở đây chính là “tâm này là Phật”.
Cuối phẩm này, Phật lại khuyên răn nên bỏ lòng dục, dứt điều ác, an hòa, chuyên tinh, thành thật. Vả nữa, trong các món dục, dâm dục là độc hại nhất nên Phật buộc người xuất gia chú trọng đoạn dâm. Nếu có thể ly dục thì “bất phạm chư ác” (chẳng phạm các điều ác). Ðây chính là lời khuyên tha thiết “chư ác mạc tác” (đừng làm các điều ác).
Ngôn ngữ hòa nhã chính là Ái Ngữ trong Tứ Nhiếp Pháp; vẻ mặt hòa nhã chính là dùng từ quang chiếu soi người khác. Vì thế, câu “cử động, ngó nhìn an định, thong thả “ nghĩa là nhất cử nhất động đều phải an tường, điềm tĩnh, thung dung, chẳng hấp tấp. Làm việc bộp chộp ắt sẽ bị thảm bại khiến phải hối hận về sau. Chẳng thận trọng, dè dặt trong việc làm thì bị “uổng mất công phu tu trì”.
Một số hình ảnh tại buổi giảng:
Thực hiện: Diệu Thanh – Minh Phát
(Nguồn: Sen Vàng OnlineTV)