"Không làm mọi điều ác Thành tựu các hạnh lành Tâm ý giữ trong sạch Chính lời chư Phật dạy" (Kinh Pháp cú, câu 183)

Khóa tu “Ngày An Lạc”: TT.Thích Quảng Lực thuyết giảng về “Pháp quán Mặt trời sắp lặn”

Sáng 08/9/2024 (06/8/Giáp Thìn), nhân khóa tu “Ngày An lạc” tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), TT.Thích Quảng Lực đã có buổi thuyết giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật – Pháp quán 1: Quán mặt trời sắp lặn.

Sau khi đã giảng dạy cho bà Vi-Đề-Hy hiểu được thế nào là tu 3 nghiệp thiện, Đức Phật vì lòng bi mẫn đã tiếp tục khai thị lần này cho phu nhân Vi-Đề-Hy, cũng chính là khai thị cho Phật tử chúng ta. Bà Vi-Đề-Hy là bậc đương cơ; chúng ta mở bộ kinh điển này ra, đọc tụng, tiếp xúc bộ kinh điển này thì cũng là đương cơ của bản kinh này.

Chúng ta dùng cái tâm sanh diệt để nhìn hết thảy các pháp, nên hết thảy các pháp biến thành sanh diệt. Đức Phật dùng tâm bất sanh, bất diệt để nhìn hết thảy các pháp, nên hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt. Từ chỗ này cũng chứng thực “hết thảy các pháp chỉ do tâm biến, hết thảy các pháp chỉ do tâm chuyển, tâm chuyển cảnh giới, chẳng phải là cảnh giới chuyển tâm”, chứng minh lý luận này. Vì lẽ đó, đức Phật dạy chúng ta thấy chân tướng của hết thảy các pháp, đó chính là thật tướng của các pháp. Thật tướng của các pháp là bất sanh, bất diệt.

Phải như thế nào thì mới có thể thấy thật tướng của các pháp? Phải có thiền định rất sâu. Thiền định rất sâu là tâm định. Tịnh đến tột cùng, tâm ấy là bất sanh, bất diệt, chân tâm thường trụ, thấy cảnh giới bên ngoài là cảnh giới chân thật. Vì thế, đó là cảnh giới của Phật và đại Bồ Tát; hàng Bồ-tát từ Thất Địa trở lên thấy hết thảy vạn pháp bất sanh, bất diệt. Đó chẳng phải là cảnh giới của phàm phu chúng ta, vì chúng ta chẳng có cách nào sử dụng chân tâm, toàn là dùng vọng tâm.

Do đó, sự giáo học của Đức Phật là một Thể hoàn toàn bình đẳng, dạy chúng ta “hãy nên chuyên tâm hệ niệm nhất xứ, tưởng Tây Phương”, câu này là khuyên tu. “Chuyên tâm hệ niệm” thì mới có thể bỏ vọng tưởng. Vì sao người bình phàm chẳng thể chế phục vọng tưởng? Do ý niệm của họ chẳng chuyên. Nếu ý niệm chuyên nhất, những vọng niệm khác sẽ tự nhiên chẳng sanh. Phàm phu chẳng thể nào chẳng có niệm. Phương pháp của Đức Phật rất xảo diệu, tức là dùng ngay ý niệm (niệm Phật) này để ngưng dứt vọng niệm. Dùng phương pháp này khiến cho trong ý niệm của chúng ta  chỉ nghĩ đến một chuyện. Chẳng khởi niệm thì thôi, hễ khởi niệm bèn nghĩ tới một chuyện, tưởng Tây Phương Cực Lạc thế giới, tưởng A Di Đà Phật là được rồi. Dùng niệm để dứt niệm, dạy chúng ta sử dụng phương pháp này. Tu học phương pháp này sẽ thuận tiện hơn nhiều.

Đức Phật dạy chúng ta cách tưởng “Mặt trời sắp lặn” (Nhật Quán). Đây là nêu thí dụ để dạy cách tưởng như thế nào. Hết thảy chúng sanh nếu chẳng phải là kẻ sanh manh, là sanh ra liền bị mù thì gọi là “sanh manh”. Nếu chẳng phải là tình hình ấy, nhất định đã từng thấy mặt trời ngả bóng, ắt phải là đã từng thấy cảnh tượng mặt trời lặn. Thật ra, Đức Phật dạy điều này là nói về xưa kia, trước kia cảnh mặt trời lặn, đặc biệt là sống ở hương thôn, chúng ta thường trông thấy. Thấy mặt trời mọc thì có, chứ thấy mặt trời lặn dường như vẫn chưa hề nghe nói tới. Do đó, trước hết, Đức Phật dạy chúng ta quán tưởng phương hướng, tưởng Tây Phương, nơi mặt trời lặn là Tây Phương, tưởng hình dạng mặt trời lặn.

Hãy nên khởi tưởng niệm, ngồi ngay ngắn hướng về phía Tây, quán kỹ lưỡng nơi mặt trời sắp lặn. Khi mặt trời sắp lặn, chỉ thấy một vầng mặt trời đỏ rực, giống như một cái trống, tức cái trống đang treo lơ lửng trong không trung.

Quán thành công sẽ là cảnh giới như thế này: Nhắm mắt, mặt trời ở trước mặt; mở mắt, mặt trời vẫn ở trước mặt. Đó là quán tưởng thành công. Nếu mở mắt, mặt trời ở trước mặt, nhưng nhắm mắt, mặt trời chẳng còn nữa, tức là quán chưa thành công. Hoặc là nhắm mắt, hình tượng ấy ở trước mặt, nhưng mở to mắt lại chẳng còn, cũng chẳng thể coi như là thành công được. Phép quán này cũng rất khó. Sau khi quán thành công, bất luận ở nơi nào, mở to mắt, mặt trời quả thật ở trước mặt; nhắm mắt, mặt trời vẫn ở trước mặt. Đó là phép quán thứ nhất thành tựu. Trong mười sáu phép quán, đây là phép quán đầu tiên, là phép quán dễ nhất.

Nếu chẳng đạt đếnn tâm Tam quán, cảnh giới này chẳng thể hiện tiền. Do vậy, quán thành công hết sức khó khăn. Sau khi quán thành công, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, còn phải trừ bỏ tướng hư vọng ấy. Vì sao? Trong tâm thanh tịnh vốn chẳng có một vật, lẽ đâu có mặt trời?.

Quán Tưởng Niệm Phật và Quán Tượng Niệm Phật đã khó, lại còn chẳng tương ứng. Trì danh niệm Phật dễ dàng, tương ứng với Thật Tướng. Đó là lý do vì sao chư Phật, Bồ Tát, tổ sư đặc biệt nhấn mạnh, đề xướng pháp môn Niệm Phật, đạo lý ở ngay chỗ này. Khởi tưởng chính là quán.

Khởi tưởng là phát khởi quán, ngồi ngay thẳng là thân có oai nghi; kiết già hoặc bán già, thân ngay thẳng, hai bàn tay xếp lên như ngồi thiền. Cho nên, trong Cao Tăng Truyện các vị cao tăng thời nhà Tấn, khi ngồi không quay lưng về phương Tây là bởi tuân thủ pháp nghi này. Khi đó, tâm cảnh tương ứng, vắng lặng bất động, chính là thể của định. Khi sắp lặn thì mây tan, ánh sáng thâu lại, mặt trời tròn như mặt trống treo lơ lững giữa hư không. Quán tưởng thành thì tướng mặt trời hiện, niệm niệm miên mật, tự nhiên không quên.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

 

Chùa Phước Viên