Sáng 16/6/2024 (11/5/Giáp Thìn), TT.Thích Quảng Thiện tiếp tục có thời pháp thoại về phẩm thứ 45 của Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ – “Chỉ lưu lại một kinh này“, nhân khóa tu Ngày an lạc được tổ chức định kỳ mỗi chủ nhật hàng tuần tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Thượng tọa cho biết, phẩm kinh chỉ rõ, trong tương lai các kinh diệt hết, Đức Phật vì lòng từ bi “riêng lưu lại kinh này tồn tại một trăm năm”. Ðiều này càng chứng tỏ diệu pháp thù thắng “phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm” của kinh này, thật sự là phương thuốc để cứu vớt khắp các chúng sanh. Khi pháp diệt tận, chúng sanh nghiệp chướng càng sâu, chỉ còn biết cậy vào pháp này để thoát sanh tử, càng tỏ rõ pháp này là phương tiện rốt ráo chẳng thể nghĩ bàn.
Đức Thế Tôn đã phóng đại quang minh, ánh sáng, tướng lành đều thù thắng nhiệm mầu, toàn là những điều xưa nay chưa từng được thấy. A Nan thưa hỏi nhân duyên Phật phóng quang, Phật khen ngợi A Nan rằng: “Đương lai chư thiên nhân dân nhất thiết hàm linh, giai nhân nhữ vấn nhi đắc độ thoát cố”, (có nghĩa là chư Thiên, nhân dân, hết thảy hàm linh trong tương lai đều do lời hỏi của ông mà được độ thoát). Ðó là vì do lời khải vấn của ngài A Nan, Đức Thế Tôn bèn dạy ra kinh Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh, Bình Ðẳng Giác thù thắng, hy hữu này, đủ chứng tỏ kinh này do Đức Thế Tôn “vì lòng đại bi vô tận, thương xót tam giới”, “muốn cứu vớt quần sanh, ban cho cái lợi chân thật” nên mới nói pháp bảo rộng lớn, viên mãn, giản dị, phương tiện thẳng tắt, đệ nhất hy hữu khó được gặp gỡ này.
Mãi đến đời mai sau khi kinh pháp diệt hết, do lòng từ bi, Phật riêng lưu lại kinh này tồn tại một trăm năm. Kẻ gặp được kinh này tùy lòng mong mỏi đều được độ thoát. Thật là lòng từ bi của Phật vô tận, ân Phật vô cực. Kinh này dạy, người niệm Phật cầu sanh Tây phương, nên riêng lưu lại trong một trăm năm cuối cùng, để cứu độ chúng sanh, chính là pháp yếu để cứu độ phàm phu cho nên sẽ diệt sau rốt.
Kẻ hồ nghi chẳng tin, thì là mới từ ba ác đạo thoát ra, ương họa nghiệp chướng túc thế chưa đoạn hết, còn chưa đến thời kỳ được đắc độ nên chẳng thể tin nhận nổi. Ðây cũng chính là điều kinh Kim Cang đã nói: “Trong đời mạt sau này, có kẻ thọ trì, đọc tụng kinh này, nếu ta nói đầy đủ công đức người ấy đạt được, ắt sẽ có kẻ nghe rồi tâm liền cuồng loạn, hồ nghi chẳng tin”. Có thể thấy, pháp môn càng thù thắng, người đời càng khó tin. Bởi lẽ đó, đối với pháp viên đốn, họ hồ nghi chẳng tin.
Tiếp đến, kinh đã nói những việc như gặp Phật, nghe kinh, gặp thiện tri thức, nghe pháp xong có thể thực hành nổi. Đó đều là những việc rất khó được, thật là hy hữu. Nhưng cả ba điều khó nói trên, vẫn chẳng khó hơn nổi việc “nếu như nghe kinh này mà tin ưa, thọ trì, đấy mới là điều khó làm nổi nhất trong những điều khó thể làm nổi nên mới bảo là khó nhất trong những điều khó”.
Nói như vậy không có nghĩa pháp môn này khó tu mà là ngụ ý: Thật là khó có những người có những thiện căn phước đức nhân duyên hy hữu như thế.
Một số hình ảnh tại buổi giảng:
Nguồn: Sen Vàng OnlineTV