Sáng ngày 03/12/2023 (21/10 Quý Mão), tại Khóa tu “Ngày an lạc”, TT. Thích Quảng Thiện đã có buổi thuyết giảng về Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, phẩm thứ 32: “Thọ Lạc Không Cùng Tận“.
Khóa tu “Ngày an lạc” do chùa Phước Viên (318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.21, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tổ chức vào chủ nhật hàng tuần, với nhiều hoạt động ý nghĩa cho Phật tử tham dự, như nghe thuyết giảng pháp, thời khóa niệm Phật, kinh hành, cúng Phật…
Theo đó, mở đầu khóa tu, Phật tử tham dự được lắng nghe thời pháp từ TT.Thích Quảng Thiện, thuyết giảng về kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, phẩm thứ 32: “Thọ Lạc Không Cùng Tận“.
Phẩm này nói đến tuổi thọ và sự vui sướng nơi cõi Cực Lạc đều vô cực. Trước hết, kinh nói đến chúng hội thù thắng nơi cõi ấy, khuyến dụ chúng sanh nên thân cận. Tiếp đó, kinh miêu tả những điều vi diệu trong cõi Cực Lạc để khuyến dụ vãng sanh.
Từ phẩm này trở đi, ngài Di Lặc là đương cơ chính, A Nan chỉ đóng vai phụ. Trong phẩm bốn mươi tám, Phật bảo ngài Di Lặc: “Ta nay đúng như lý tuyên nói pháp môn vi diệu rộng lớn như thế này, được hết thảy chư Phật khen ngợi, phó chúc các ông thực hiện sự thủ hộ lớn lao’. Như vậy Di Lặc Bồ Tát trong tương lai giáng sanh ắt sẽ tuân lời phó chúc của Phật mà diễn thuyết kinh này. Hết thảy sự tướng cõi Cực Lạc đều là diệu tướng vô lậu. Hơn nữa, Thật Tướng chẳng phải là vô tướng, cũng chẳng phải là bất tướng nên mọi thứ hiện ra đều là Thật Tướng. Do mọi tướng hiện hữu trong cõi Cực Lạc đều là tướng vô lậu, tướng Thật Tướng nên Phật bảo là “thanh tịnh”.
Hư không chẳng có một vật nên tự tâm cũng chẳng có một vật. Do hư không rỗng không nên sum la vạn tượng, mười phương cõi nước đều nương vào hư không mà sanh. Hư không tạo dựng vạn vật nên tự tâm cũng tạo lập vạn vật. Do không có một vật nên chẳng rơi vào hữu biên. Do dung chứa vạn vật nên không bị rơi vào Không biên. Chẳng có một vật mà lại dung chứa muôn vật nên chiếu được cả Không lẫn Hữu. Chứa đựng vạn vật mà không hề có một vật nào cả nên cả Không lẫn Hữu đều mất, thung dung Trung Ðạo nên mới bảo là “ khế hội Trung Ðạo”. Thích là vừa khớp, đắc hàm ý khế hội, chữ Trung ở đây chỉ Trung Đạo. Như kinh Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Hãy nên không trụ vào đâu mà sanh cái tâm mình). Vô trụ chính là sanh tâm, sanh tâm chính là vô trụ, đấy nghĩa là Trung Ðạo. Gìn giữ cái nghe, kiềm chế cái nhìn để tuyệt các ý ngoại duyên.
Thêm nữa, “đoan” là đoan chánh, “trực” là chánh trực. Vì thế, chữ “đoan trực” ngoài chỉ vẻ oai nghi nơi thân trang nghiêm, trong chỉ tâm ý chánh trực. Ðấy là cả thân lẫn tâm đều đoan nghiêm.“Thân tâm khiết tịnh, chẳng tham ái “ là vì khế hội Trung Ðạo nên Sắc chẳng khác Không, Không nào khác Sắc, soi thấu suốt khách trần, tự nhiên ly ái, chẳng có tham nhiễm, thân tâm tự nhiên khiết tịnh.“Chí nguyện an định, không tăng lên hay khuyết giảm “: Chữ “an” gồm có các nghĩa tịch tĩnh, định, ngưng lặng, yên ổn, vui vẻ, tốt lành, không mong cầu. “Ðịnh” là quyết định, kiên định, chẳng hề lay động, biến đổi. Các thệ nguyện đã phát của thánh chúng cõi kia tự nhiên kiên định, chẳng hề chợt tăng, chợt giảm, chợt bỏ qua, hay chợt bị khuyết thiếu, đúng như kinh nói: “Ví dù thân ở trong các khổ, nguyện tâm như vậy mãi mãi chẳng thoái thất”. Ðấy chính là khuôn phép cho “chí nguyện an định, vô tăng khuyết giảm”.
Do đại từ bi nên dẫu biết rõ thật sự không có chúng sanh để độ, nhưng hạnh nguyện độ sanh vẫn chẳng cùng tận. Bởi thế “tâm thường trụ chắc nơi đạo độ thế “, “muốn cứu vớt quần manh, ban cho cái lợi chân thật”. Cái đại nguyện được kết thành ấy tự nhiên khế lý khế cơ, chiếu Chân, đạt Tục; do khế lý chiếu Chân nên đại nguyện ấy lấy Thật Tướng làm Thể, liễu nghĩa rốt ráo, lực dụng vô lượng. Do khế cơ và thấu hiểu thế gian nên khéo phù hợp cơ nghi.
Lễ nghĩa chính là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, tức là đạo đức thế gian. Hai chữ này chẳng những để chỉ đạo đức của xã hội đương thời hay thời cổ Ấn Ðộ mà còn chỉ chung tất cả các chuẩn mực, quy luật đạo đức của xã hội trong các thời đại mai sau. Ðại nguyện đã phát phải phù hợp với đạo đức xã hội thì mới được xã hội đương thời chấp nhận; có như vậy mới có thể hoằng dương giáo nghĩa, lợi khắp các chúng sanh được. Đại nguyện của thánh chúng là không những chỉ nhằm khiến cho tự thân thoát khỏi sanh tử mà còn làm cho hết thảy hữu tình cùng thoát khỏi sanh tử, vĩnh viễn được giải thoát nên mới bảo là “quá độ giải thoát”.
Những đoạn kinh đã tả thật rõ quang minh, sắc tướng vi diệu khó nghĩ lường, tùy ý biến hiện. Trong quang minh có màu sắc, trong màu sắc lại hiện tướng. Các tướng đẹp mầu nhiệm như lưới châu v.v… đều chỉ là từ một sắc biến hiện. Lại như Phật có đủ các tướng hảo, trong mỗi một tướng hảo lại phóng quang. Trong quang minh lại có Phật hiện. Ðấy đều là những điều đã thể hiện cùng tột ý “tham hồi” (xoay chuyển, nhập lẫn vào nhau) trong đoạn kinh này; còn “thi tác Phật sự” (thực hiện Phật sự) và nhiếp thủ chúng sanh niệm Phật trong mười phương thế giới chẳng bỏ; đấy chính là những sự “tối thắng”.
Ta thấy các thứ y báo, chánh báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc đều là từ căn bản của tự nhiên biến hiện ra. Ðó chính là như Vãng Sanh Luận nói: Ba thứ trang nghiêm đều nhập trong một pháp cú. Một pháp cú là thanh tịnh cú, tức là chân thật trí huệ vô vi pháp thân. Vì vậy, “căn bản của tự nhiên” chính là một thanh tịnh cú như Vãng Sanh Luận đã bảo.
Trong cõi Cực Lạc cũng giống như thế: Tất cả đều do đại nguyện của đức Di Ðà tạo thành, tất cả đều là cái sẵn có trong cái tâm thanh tịnh của chúng sanh. Vì thế kinh chép: “Quốc trung vạn vật, nghiêm tịnh quang lệ, hình sắc thù đặc, cùng vi cực diệu, vô năng xưng lượng” (Vạn vật trong nước nghiêm tịnh sáng đẹp, hình sắc đẹp đẽ lạ lùng, cùng vi cực diệu không thể tính kể nổi).
Phần trên, kinh đã nói: “Quang sắc hoảng diệu, tận cực nghiêm lệ” (Quang sắc chói ngời, trang nghiêm, đẹp đẽ đến cùng cực) và “thanh tịnh trang nghiêm, siêu du thập phương” (thanh tịnh trang nghiêm, vượt trỗi [hết thảy các thế giới trong] mười phương). Do vậy, mười phương thế giới thật chẳng thể sánh nổi những điều đẹp đẽ tốt lành nơi cõi Cực Lạc.
Sau buổi thuyết giảng, đại chúng dưới sự hướng dẫn của chư Tôn đức Ni chùa Phước Viên, trang nghiêm thực hiện thời khóa niệm Phật.
Video TT.Thích Quảng Thiện, thuyết giảng về kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, phẩm thứ 32: “Thọ Lạc Không Cùng Tận” : https://www.youtube.com/watch?v=7rJhh4nzxvw
Chùa Phước Viên
Ảnh: Diệu Thanh – Minh Đạt