"Không làm mọi điều ác Thành tựu các hạnh lành Tâm ý giữ trong sạch Chính lời chư Phật dạy" (Kinh Pháp cú, câu 183)

Hỏi: Thưa thầy, Pháp ở khắp nơi, nên dù ở nơi nào đó không có Kinh Điển, mà người biết nhận thức và hành vi đúng tốt thì vẫn có thể giác ngộ phải không thưa thầy?

Trả lời của Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN:

– Đúng, những vị Phật Độc Giác đâu có đọc kinh điển nào mà vẫn giác ngộ Chân Lý. Pháp có sẵn trong mỗi người và ở khắp mọi nơi, cho nên qua trải nghiệm nhân duyên của các pháp, ai thấy ra sự thật thì người đó có thể giác ngộ chứ không nhất thiết phải học từ Kinh Điển.

Đức Phật nói rằng ở đâu có Bát Chánh Đạo thì ở đó có bậc thánh. Ai sống biết quan sát, khám phá ra sự thật tức có chánh kiến, chánh kiến khởi đầu một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi. Cho nên trong mười nhân sinh phước, phước cuối cùng là phước điều chỉnh nhận thức từ tà kiến đến chánh kiến, qua trải nghiệm thực trong cuộc sống, chứ không phải qua Kinh Điển.

Kinh Điển trung thực nhất chỉ mang tính khai thị hoặc gợi ý cho mỗi người tự khám phá sự thật, do đó việc chính là tự trải nghiệm để khám phá mới được, nếu lệ thuộc vào Kinh Điển quá thì có thể biến Kinh Điển thành chướng ngại cho sự khám phá sáng tạo. Do đó người xưa nói “Tận tín thư bất như vô thư” là vậy.

Ảnh minh họa của Pháp An

Thật ra Kinh Điển vô tội, sai lầm là ở chỗ người sau biến thành hệ thống giáo điều, nặng phần ngữ nghĩa mà hình thành tư tưởng, quan niệm và cố chấp vào nhận thức của mình mà gán cho kinh điển để củng cố quan điểm của mình. Hệ chú giải của các luận sư, hệ giáo điều của những nhà thần học đã phản lại ý nghĩa đích thực rất giản dị của Phật, của Chúa. Vì vậy nếu không trực nhận sự thật ngay đây và bây giờ thì coi như đánh mất chân lý đang hiện diện ở khắp mọi nơi.

Theo Trung tâm Hộ Tông