Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh – phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Điều đó càng quan trọng trong bối cảnh xã hội đã và đang có quá nhiều thay đổi về phương tiện vật chất, đặc biệt là sự bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội.
Thời gian gần đây, chúng ta thường xuyên phải chứng kiến những sự việc gây xôn xao dư luận liên quan đến phẩm cách, việc ứng xử không phù hợp của một số vị Tăng Ni. Những sự việc này vô hình trung đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của người tu sĩ Phật giáo trong mắt người đời, tổn hại uy tín của đạo Phật, Tăng đoàn và Giáo hội.
Có thể nói, trong cách nhìn nhận của thế gian, oai nghi là điều định hình nên hình ảnh của vị tu sĩ. Một người tu với đầy đủ oai nghi có thể bước đầu làm nảy sinh thiện tình của người đời đối với đạo Phật. Bên cạnh đó, người tu sĩ Phật giáo với phẩm hạnh và trí tuệ cũng có thể giúp ích không nhỏ cho xã hội, cho sự phát triển của đời sống nhân sinh.
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, rất nhiều bậc cao đức danh tăng đã tham dự và góp phần vào công cuộc xây dựng đạo đức xã hội bằng ảnh hưởng và nhân cách của mình, đem tinh thần và tuệ giác của đạo Phật để chỉ hướng trị quốc cho các bậc quân vương như Thiền sư Pháp Thuận, Thiền sư Vạn Hạnh, Tam tổ Trúc Lâm,… Hay gần đây, trong thời hiện đại, các bậc danh tăng như: Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Thanh Hanh, Quốc sư Phước Huệ, Quốc sư Tâm Khoan, Hòa thượng Tịnh Khiết, Hòa thượng Tố Liên,… đã đem trí tuệ, tâm huyết và đức độ để tạo nên phong trào Chấn hưng Phật giáo, khôi phục lại các giá trị truyền thống và cốt lõi, làm nền tảng cho một nền Phật giáo hiện đại, phát triển.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của phương tiện hiện đại, việc hoằng pháp, đưa đạo Phật tiếp cận sâu rộng với đời sống cũng trở nên dễ dàng hơn, sự tương tác của Tăng Ni với quần chúng Phật tử trong đời sống lẫn không gian mạng cũng trở thành đơn giản. Nhưng cũng vì vậy, việc gìn giữ oai nghi và giới hạnh của một vị Tăng Ni trở nên cần thiết hơn lúc nào hết. Chỉ một sơ suất nhỏ, một cử chỉ bất cẩn vô tình lọt vào camera của một chiếc điện thoại, một thước phim đăng trên Facebook, YouTube hay Tiktok cũng có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy.
Tất nhiên, không phải vì thế mà một vị Tăng Ni chỉ nên bó buộc mình trong những nguyên tắc cứng nhắc, giữ mình tránh xa hoàn toàn với đời sống thế tục. Như đã đề cập, người tu sĩ Phật giáo cần đi vào cuộc đời, tiếp xúc để hiểu được quần chúng cần gì và mình có thể giúp ích được gì cho cuộc đời bằng chất liệu có được của người tu. Điều quan trọng hơn hết, đó là dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, nếu giữ chánh niệm, thể hiện được phẩm chất của một người xuất gia, một vị Tăng Ni hoàn toàn có thể thành công trong việc nhiếp hóa con người mà vẫn không bị lôi cuốn theo hoàn cảnh.
Đối với công chúng, người tu (Tăng, Ni) là biểu tượng cho đạo đức giải thoát. Do đó, hành vi của họ không còn là chuyện cá nhân; những ứng xử không phù hợp với oai nghi của người xuất gia do vậy cũng tác động xấu lên cả đoàn thể, tôn giáo mà họ đang đại diện – phước cũng từ đó mà tội cũng từ đó vậy!
Nguồn: Báo Giác Ngộ