GNO – Kỳ vọng và mong muốn của tu sĩ trẻ được cống hiến nhiều hơn cho ngành giáo dục mầm non cũng chính là tiếng lòng của nhiều trí thức, các bậc phụ huynh hiện nay.
Khi chuyên đề “Phật giáo và giáo dục mầm non” được khởi đăng, cũng là dịp Báo Giác Ngộ lắng nghe, đón nhận những lời tâm sự, nỗi lòng của nhiều phụ huynh và nhiều trăn trở của Tăng Ni với hoạt động dấn thân phụng sự cho an sinh xã hội cũng như những vấn đề khó khăn của tu sĩ trong hoạt động giáo dục mầm non đang phải đối mặt. Kỳ vọng và mong muốn của tu sĩ trẻ được cống hiến nhiều hơn cho ngành giáo dục mầm non cũng chính là tiếng lòng của nhiều trí thức, các bậc phụ huynh hiện nay.
Niềm mong mỏi và kỳ vọng của phụ huynh
Chia sẻ với Giác Ngộ, chị Nguyễn Thị Nga, 36 tuổi (H.Nhà Bè, TP.HCM) cho biết: “Khi đọc bài viết về giáo dục mầm non Phật giáo trên báo Giác Ngộ, nhất là khi đọc đến những hoàn cảnh công nhân bày tỏ niềm hạnh phúc khi con được học miễn phí ở trường mầm non Phật giáo, các bé có biểu hiện ‘cá biệt’ về trí tuệ được quý Sư cô chăm sóc nên có chuyển biến tốt từng ngày, tôi xúc động và nhớ đến hình ảnh của tôi của 5 năm về trước.
Khi đó, con gái tôi được 3 tuổi, tôi đã tìm khắp nơi về trường mầm non Phật giáo để con học, tuy nhiên nỗ lực tìm kiếm của gia đình không có kết quả”. Mặc dù hiện tại con của chị Nga đã qua tuổi mầm non, nhưng trong lời tâm sự, chị vẫn luôn có sự kỳ vọng một ngày nào đó, trên địa bàn thành phố, mỗi quận huyện đều có ít nhất một trường mầm non Phật giáo, để phụ huynh có thể gửi con đến học, để con được học về tình yêu thương, nuôi dưỡng lòng từ bi từ những năm tháng đầu đời.
Cùng chung niềm trăn trở đó, chị Hà Bình, giảng viên yoga tại TP.HCM chia sẻ, một học viên của chị từng hỏi thăm khắp nơi và chạy khắp trung tâm thành phố để tìm trường mầm non Phật giáo cho con. “Con của chị học viên có khiếm khuyết về nhận thức, bị tăng động; bản thân chị học viên lại là mẹ đơn thân. Bản thân chị tìm đến yoga cũng vì để giảm stress. Mong muốn lớn nhất lúc đó của chị là con được học trường mầm non Phật giáo. Tôi nghĩ, nếu có trường mầm non Phật giáo thì mẹ con chị học viên sẽ được chia sẻ rất nhiều, như những hoàn cảnh khó khăn đã và đang may mắn học tại trường mầm non trong hệ thống của Phật giáo như báo Giác Ngộ chuyển tải”, chị Hà Bình cho biết.
Trong 69 ý kiến của bạn đọc gửi về báo Giác Ngộ thì có đến 60 nội dung đặc biệt quan tâm đến hệ thống trường mầm non Phật giáo trên địa bàn TP.HCM, và bày tỏ mong muốn Giáo hội Phật giáo mở thêm trường mầm non. Đáng chú ý, 35/60 ý kiến trên đến từ bạn trẻ chưa lập gia đình, chưa có con.
Bạn Nguyễn Lài, một nhân viên văn phòng thẳng thắn: “Tôi chưa kết hôn, tuy nhiên tôi mong muốn khi có con thì con sẽ được học ở trường mầm non Phật giáo. Những đứa trẻ con của anh chị tôi được học tư thục, được dạy về thiền và câu chuyện về lòng hiếu thảo từ điển tích của Phật giáo, các bé rất ngoan, ngay từ nhỏ đã học và thực hành nhiều về tình yêu thương. Tuy nhiên, học phí sẽ rất đắt đỏ, nếu Giáo hội có trường mầm non, thì sẽ là điều tuyệt vời với người trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân như tôi”.
Mong muốn con được học ở trường mầm non Phật giáo là điều mà nhiều phụ huynh và bạn trẻ đang ở giai đoạn tiền hôn nhân gửi gắm. Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở Giáo dục TP.HCM, thành phố hiện nay có 1.275 trường mầm non (công lập: 473; ngoài công lập: 802), có 150.456 trẻ mầm non theo hệ công lập, 164.686 trẻ theo hệ dân lập tư thục, và 61.582 trẻ theo học trong các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập. Thống kê cũng cho thấy, TP.HCM có 5 cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn quốc gia tư thục do tôn giáo quản lý, tuy nhiên Phật giáo không có trong danh sách này.
Tiếng lòng trăn trở
Ngành giáo dục mầm non là điều đã được chư tôn đức quan tâm từ rất sớm. Từ trước năm 1975, tại miền Nam, Phật giáo đã từng có hệ thống trường mẫu giáo mầm non Kiều Đàm nổi tiếng. Trong những năm gần đây, chủ trương đào tạo ngành Giáo dục Mầm non trong Phật giáo cũng được lãnh đạo Giáo hội lưu tâm. Cụ thể, vào năm 2014, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Phân ban Ni giới T.Ư liên kết với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM mở khóa đầu tiên về Giáo dục Mầm non (2015-2019).
Ni sư Thích nữ Như Nguyệt, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM cho biết, khóa học được tổ chức tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, sĩ số năm nhất là 100 sinh viên. Trải qua 4 năm học tập, có 55 vị đủ tiêu chuẩn dự thi tốt nghiệp, đã hoàn thành lớp bồi dưỡng làm hiệu trưởng, đã được cấp giấy chứng nhận; trong số thi tốt nghiệp có 49 vị đã đủ điểm và hoàn tất chương trình học khoa Giáo dục Mầm non khóa I (2015-2019).
Tuy nhiên, thực tế lại phản ánh điều đáng tiếc: “Với nhiều lý do khác nhau, các Sư cô tốt nghiệp khóa I ra trường, chỉ có 3-4 vị giảng dạy tại các trường/lớp giáo dục mầm non, phần lớn thì không. Một số do về các địa phương trụ trì nên không có thời gian tham gia; hoặc các địa phương không có trường/lớp giáo dục mầm non; mặc dù đã đủ bằng cấp, có thể làm hiệu trưởng nhưng tự thân quý Sư cô thì không có điều kiện mở trường/lớp.
Cụ thể, khó khăn về pháp lý, mặt bằng hoạt động là vấn đề lớn, xin giấy phép phải có sổ đỏ đăng ký, phải đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phải đúng chuẩn ngành giáo dục và đủ ngân sách để trả lương. Bản thân tôi điều hành 3 cơ sở trường mầm non Phật giáo tại TP.HCM, điểm chung của các trường luôn là ‘bù lỗ’, đó cũng là áp lực của chư Ni trẻ về vấn đề tài chính, trong nhiều trường hợp dù rất muốn thực hiện nhưng không thể”, Ni sư Thích nữ Như Nguyệt trải lòng.
Và, dù tha thiết và nhiều trăn trở với ngành Giáo dục Mầm non của Phật giáo, tuy nhiên trong điều kiện hiện tại, Ni sư Thích nữ Như Nguyệt chỉ có thể dành cho Ni sinh của mình những lời động viên: “Tôi thường động viên chư Ni làm trong ngành Giáo dục Mầm non dùng sự tâm huyết, yêu nghề của mình góp sức mở thêm nhiều trường mầm non để con em Phật tử có nơi để theo học. Tôi chỉ hy vọng các vị Ni ấy sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía địa phương để mở các trường mầm non, nơi mà các em có thể dấn thân cống hiến cho xã hội”.
Mong chờ
Trong xã hội hiện đại, trường mầm non là một nhu cầu không thể thiếu đối với các trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 5 tuổi. Đây là lứa tuổi rất cần sự dạy dỗ, rèn giũa những thói quen tốt, được thể hiện qua các hành vi khi trẻ con bắt đầu có ý thức phân biệt. Nếu trẻ con có thói quen tốt thì khi trưởng thành sẽ có một tư duy, hành vi tốt, sẽ trở thành con người tốt, biết lễ phép; trong gia đình biết kính trên nhường dưới, yêu kính cha mẹ, hòa thuận với anh chị em, hòa đồng với bạn bè.
“Mô hình giáo dục này rất cần thiết đối với con em Phật tử, nhiều bậc phụ huynh rất muốn con cháu mình ít nhiều ảnh hưởng truyền thống tín ngưỡng trong gia đình, để các cháu có cơ hội nuôi dưỡng hạt giống thánh thiện, gieo duyên lành với Phật pháp, nên môi trường giáo dục mầm non Phật giáo rất thiết thực trong xã hội Việt Nam ngày nay”, TS.Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Đạo đức, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) nhận định.
“Tôi tiếp xúc khá nhiều với phụ huynh, trong đó có nhiều người là phụ huynh là công nhân hỏi thăm tôi về trường mầm non Phật giáo để đưa con em đến học. Nhu cầu phụ huynh cho con học ở trường mầm non Phật giáo là rất cao. Thiết nghĩ, Trung ương Giáo hội cần phải có chủ trương khuyến khích Ni giới phát triển giáo dục mầm non để đóng góp nhiều hơn cho xã hội, chia sẻ được nhiều hơn với phụ huynh trong áp lực mưu sinh và nuôi dạy con”, TS.Dương Hoàng Lộc cho biết thêm.
Hòa thượng Thích Đức Tuấn, TS.Tâm lý học, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN, trụ trì chùa Pháp Vương (Hoa Kỳ):
“Phật giáo chúng ta đã từng làm rất tốt công tác giáo dục mầm non, để lại nhiều dấu ấn từ trước năm 1975. Hiện nay, giáo dục mầm non Phật giáo là điều rất nhiều Phật tử, phụ huynh mong đợi và kỳ vọng trong những năm gần đây.
Bản thân tôi đã rất hoan hỷ khi Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM chủ trương mở khóa đào tạo ngành sư phạm mầm non, kỳ vọng sẽ có thêm những ngôi trường mầm non Phật giáo được ra đời. Tuy nhiên, thật rất đáng tiếc khi Học viện đào tạo 49 vị tốt nghiệp, đã hoàn thành lớp bồi dưỡng làm hiệu trưởng, đã được cấp giấy chứng nhận nhưng hiện chỉ có 3-4 vị giảng dạy tại các trường/lớp giáo dục mầm non. Điều này cho thấy, Phật giáo chúng ta đang lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sẵn có. Thẳng thắn nhìn nhận, ở công tác này, các tôn giáo bạn ở trong và ngoài nước đã làm rất tốt.
Tôi tin rằng, các Sư cô tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non, nếu được lãnh đạo Giáo hội có chủ trương – quan tâm đúng mức thì nguồn nhân lực này sẽ giúp ích rất nhiều cho xã hội, nhất là tạo thêm cơ hội để tu sĩ trẻ dấn thân, phụng sự trong lĩnh vực giáo dục.
Để thành lập một cơ sở trường mầm non Phật giáo, tôi nghĩ không khó với Giáo hội, cần nhất là sự quyết tâm. Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Điều 55, cho phép các tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, theo quy định của pháp luật có liên quan. Một vị tu sĩ, cá nhân trụ trì một ngôi chùa để mở trường sẽ khó khăn về quỹ đất, cơ sở vật chất nhưng nếu là chủ trương của Giáo hội, hoạt động có hệ thống thì mọi chuyện rất dễ dàng; ngành mầm non Phật giáo hoạt động chỉn chu hơn, không nhỏ lẻ như hiện tại.
Hơn lúc nào hết, ngành Giáo dục Mầm non của Phật giáo cần chủ trương, sự quan tâm hơn của lãnh đạo Giáo hội, để ngành Giáo dục Mầm non Phật giáo được hoàn thiện hơn trong tương lai”.
Nguồn: Lan Anh – Hạnh Ý / Báo Giác Ngộ