Thân phận người phụ nữ ở xã hội Ấn Độ cách đây 2.500 năm thường được xem như hạ lưu. Họ không được phép đi học để mở mang kiến thức và tham gia vào các hoạt động tôn giáo để phát triển tâm linh.
Nhận biết được tình trạng bất công và không lành mạnh này, Đức Phật đã cho phép họ được tham gia vào những hoạt động tôn giáo. Họ được phép gia nhập vào tăng đoàn Tỳ-kheo Ni (bhikkhunī) với điều kiện phải gìn giữ thêm tám giới do Đức Phật chế định ngoài những giới mà Đức Phật đã chế định cho Tỳ-kheo Tăng trước đây.
Những giới này không cố ý làm giảm đi nhân cách của họ mà chỉ nhằm vào những khuyết điểm đặc biệt của giới nữ và để hướng dẫn họ hoàn thành tốt đẹp cuộc sống phạm hạnh không bị trở ngại. Đây là cơ hội đầu tiên trong lịch sử nhân loại mà người phụ nữ được phép tham dự vào tập thể của tăng chúng.
Tám giới ấy là:
- Dầu cho thọ đại giới một trăm năm, một Tỳ-kheo Ni đối với một Tỳ-kheo mới thọ đại giới trong một ngày cũng phải đảnh lễ, đứng dậy, chắp tay, xử sự đúng pháp. Pháp này sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua.
- Tỳ-kheo Ni không có thể an cư mùa mưa tại chỗ không có Tỳ-kheo. Pháp này sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua.
- Nửa tháng một lần, Tỳ-kheo Ni cần phải thỉnh chúng Tỳ-kheo hỏi ngày trai giới và đến để thuyết giới. Pháp này, sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua.
- Sau khi an cư mùa mưa xong, Tỳ-kheo Ni cần phải làm lễ Tự tứ trước hai Tăng chúng về ba vấn đề được thấy, được nghe và nghi. Pháp này, sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua.
- Tỳ-kheo Ni phạm trọng tội phải hành pháp pakkhamānattaṃ (man-na-đọa) cho đến nửa tháng. Pháp này, sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua.
- Sau khi học tập sáu pháp trong hai năm, phải đến xin thọ cụ túc giới trước hai Tăng chúng. Pháp này, sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua.
- Không vì duyên cớ gì, một Tỳ-kheo Ni có thể mắng nhiếc, chỉ trích một Tỳ-kheo. Pháp này, sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua.
- Này Ānanda, bắt đầu từ hôm nay, có sự giáo giới phê bình giữa các Tỳ-kheo về Tỳ-kheo Ni, không có sự giáo giới phê bình giữa các Tỳ-kheo Ni về các Tỳ-kheo. Pháp này, sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua.
(Tăng Chi Bộ Kinh 4, Chương Tám Pháp, Phẩm Gotamī, Phần Mahāpajāpatī Gotamī)