"Không làm mọi điều ác Thành tựu các hạnh lành Tâm ý giữ trong sạch Chính lời chư Phật dạy" (Kinh Pháp cú, câu 183)

[Trái tim bất tử] Kỳ 3: Vị pháp thiêu thân

Tâm sự lời cuối với Bồ-tát Thích Quảng Đức và dặn dò sư tăng bảo vệ ngài ở chùa Ấn Quang, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp khẩn cấp chuẩn bị cuộc tự thiêu sáng mai.

Ngài tự tay bật lửa - Ảnh: Malcolm Browne/AP
Ngài tự tay bật lửa – Ảnh: Malcolm Browne/AP

Là Trưởng ban đối ngoại kiêm tổ chức của Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo VN, ông hiểu chính quyền Ngô Đình Diệm đang ra sức dập tắt hoạt động đấu tranh của Phật giáo. Bất cứ rò rỉ thông tin nào cũng để lại hậu quả khó lường…

Bức tâm thư cuối cùng

Ngay đêm đó, Hòa thượng Đức Nghiệp đi khảo sát các tuyến đường rước linh từ chùa Phật Bửu. Kế hoạch tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức sẽ lồng vào cuộc rước linh này để đánh lừa cảnh sát và tập hợp được nhiều Tăng Ni, quần chúng.

Cuối cùng, ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám hiện nay) được chọn làm vị trí tự thiêu.

Ngã tư này không chỉ đông người mà còn ngay trước tòa đại sứ Campuchia. Nước này tỏ rõ thái độ ủng hộ Phật giáo VN và phản kháng hành động đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Về chùa Ấn Quang, Hòa thượng Đức Nghiệp sắp đặt chi tiết cho cuộc tự thiêu. Xe rước Bồ-tát Thích Quảng Đức đã có chiếc Austin của Phật tử Trần Quang Thuận gửi ở chùa Ấn Quang. Hòa thượng Đức Nghiệp gọi người lái xe đi mua thêm một can xăng để sẵn và phân công sáng mai Đại đức Trí Minh sẽ ngồi bên cạnh người lái xe, đến ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt giả vờ hư máy phải dừng lại để đánh lừa cảnh sát. Còn Đại đức Chân Ngữ ngồi bên cạnh Bồ-tát Thích Quảng Đức ở băng ghế sau để bảo vệ ngài.

Khi xe gần đến vị trí tự thiêu, Đại đức Chân Ngữ sẽ giúp rưới xăng lên người Bồ-tát ngay trong xe để cảnh sát không nhìn thấy. Một chiếc bật lửa cũng được trao sẵn cho Bồ-tát Thích Quảng Đức giữ để tự tay ngài châm ngọn lửa tự thiêu.

Trước đó, Bồ-tát Thích Quảng Đức đã soạn sẵn tâm thư với lời lẽ đầy từ bi cùng những suy nghiệm về trách nhiệm trước vận mệnh đất nước: “Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, Hòa thượng trụ trì chùa Quán Thế Âm Phú Nhuận (Gia Định). Nhận thấy nước nhà đương lúc ngả nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo…”.

Tờ mờ sáng 11-6-1963, đoàn rước linh xuất phát từ Phật Bửu tự. Xe chở Bồ-tát Thích Quảng Đức đi chầm chậm giữa hai dòng Tăng Ni. Hòa thượng Đức Nghiệp đi bộ gần xe, dặn dò thầy Hồng Huệ đang bước bên mình: “Nếu cảnh sát có bắt hay bắn tôi thì xin thầy hãy thay tôi đảm trách nhiệm vụ thiêng liêng này”.

Ngọn lửa chính nghĩa

Khi chiếc Austin vừa trờ tới ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, tài xế dừng lại và ra mở nắp máy xe để đánh lừa cảnh sát. Phía sau, Bồ-tát Thích Quảng Đức khoan thai bước xuống xe, chắp tay xá bốn phương, rồi tĩnh tại ngồi kiết già trên đường, mặt quay về hướng tây, miệng lâm râm niệm Phật. Bồ-tát lấy bật lửa trong người ra để châm lửa, nhưng có lẽ đá lửa bị ngộp xăng lúc rưới vào người nên không cháy. Hòa thượng Đức Nghiệp phải đưa cho ngài một bao diêm.

Lúc đó, một nhà sư đứng gần cũng giúp Bồ-tát Thích Quảng Đức rưới xăng còn thừa trong chiếc can nhựa mang xuống từ trên xe lên người ngài.

Mọi việc diễn ra nhanh chóng để cảnh sát đặc biệt chống biểu tình không kịp phản ứng. Khi bàn tay Bồ tát Thích Quảng Đức vừa thả que diêm xuống, ngọn lửa bùng lên rừng rực như bó đuốc khổng lồ bao quanh Bồ-tát. Nhưng ngài vẫn tĩnh tại ngồi kiết già, tay chắp trước ngực, gương mặt không lộ chút nét đau đớn.

Tăng Ni, Phật tử bao quanh ngài. Người lâm râm tụng kinh, người hô to khẩu hiệu chống chính quyền. Nhiều người, kể cả một số cảnh sát chống biểu tình đã quỵ xuống khóc và lạy Bồ-tát đang vị pháp thiêu thân…

Kể lại cuộc tự thiêu này, nhân chứng phía bên kia là ông Nguyễn Văn Thông, mật vụ đặc trách theo dõi hoạt động Phật giáo thời đó, nhớ lại: “Tin tình báo gửi về cho biết sẽ có biểu tình lớn từ chùa Ấn Quang đến công trường Lam Sơn và sẽ có nhà sư mổ bụng. Sau này tôi mới biết đó là tin giả để đánh lạc hướng chuẩn bị trấn áp của cảnh sát”.

Ông Thông kể sáng đó nhóm cảnh sát mật của mình gồm bốn người mặc thường phục đi trên một chiếc ôtô. Ông Thông phụ trách hình ảnh, một người viết báo cáo, người khác trực điện đài. Họ chuẩn bị bám theo các Tăng Ni đến công trường Lam Sơn (Nhà hát lớn TP ngày nay) và không biết gì về cuộc tự thiêu sắp diễn ra.

Lúc đó, ông Thông còn là cộng tác viên của hãng Ảnh xã nên ngoài chiếc máy ảnh cảnh sát trang bị, ông luôn mang thêm chiếc máy ảnh riêng.

Khi chiếc xe Austin chở Bồ-tát Thích Quảng Đức từ chùa Ấn Quang dừng lại ở ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng, tài xế bước xuống giả vờ sửa xe và nhóm cảnh sát chìm vẫn tưởng thật. Thậm chí khi Bồ-tát Thích Quảng Đức bước xuống xe, ngồi kiết già trên đường, ông Thông vẫn không nghĩ ngài tự thiêu. Chỉ đến lúc thân ngài bốc cháy như ngọn đuốc ông Thông mới sững sờ.

Theo phản xạ ông đưa máy ảnh lên chụp, nhưng tấm đầu tiên bị nhòe vì ông xúc động run tay. Đến tấm thứ hai ông lấy được nét. Đó cũng là tấm phim cuối cùng của chiếc máy ảnh riêng của ông. Ông liền sử dụng chiếc máy ảnh thứ hai được cảnh sát trang bị để chụp tiếp đến cảnh lửa tắt, Bồ-tát ngã xuống.

Theo ông Thông, có ít nhất ba người chụp được hình tự thiêu xúc động này là nhà báo Malcome Browne của Hãng thông tấn AP, một nhà sư và ông. Tuy nhiên, sau đó chỉ có hình của Malcome Browne lan truyền ra thế giới. Còn ông Thông phải nộp ảnh cho nha cảnh sát và lặng lẽ giấu đi mấy tấm khác vì lúc đó ông vẫn còn là nhân viên chính quyền nhà Ngô.

Năm nay đã 86 tuổi, ông Thông hồi tưởng chi tiết cuộc tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức: “Lửa bao trùm thân ngài nóng đến mức chiếc can để gần đó phải chảy ra, nhưng Bồ-tát vẫn tĩnh tại ngồi thiền, thản nhiên đón nhận cái chết. Đặc biệt, khi lửa gần tàn, thân đã cháy đen nhưng ngài vẫn gật đầu về hướng tây mấy lần như lạy Phật rồi mới bật ngửa ra chứ không ngã sấp xuống.

Xe cứu hỏa, cảnh sát đổ đến. Các nhà sư nằm chặn trước bánh xe, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cuộc vị pháp thiêu thân. Nhiều nhân vật chủ chốt của ngành cảnh sát chế độ Sài Gòn bấy giờ cũng có mặt nhưng chỉ đứng nhìn, không thể phản ứng được gì trước ngọn lửa chính nghĩa…”.

_________________

Sự thật về cái gọi là “một nhà sư đã bị nướng sau khi chích thuốc mê” của bà Trần Lệ Xuân? Những người trong cuộc đã nói gì?

Kỳ 4: Sự thật sau một lời xuyên tạc

Quốc Việt (Nguồn: Tuổi trẻ Online)