Những người chứng kiến kể rằng lửa rừng rực bao kín thân ngài và bốc lên cao như một bó đuốc sống. Đất trời nổi gió, lửa bị thổi bạt nghiêng làm hiện rõ gương mặt Bồ-tát Thích Quảng Đức dù đã bị hỏa thiêu sạm đen nhưng vẫn bình thản…
Sài Gòn đã khóc…
Khoảng 15 phút sau ngọn lửa tàn dần. Ngài ngã bật ra, tay vẫn co trước ngực. Sau này có người kể lại đêm trước tự thiêu, Bồ-tát dặn dò rằng nếu tâm nguyện vị pháp thiêu thân và hòa bình cho dân tộc của ngài được Phật tổ chứng giám, ngài sẽ về cõi Phật trong tư thế nằm ngửa và nguyện để lại một trái tim xá lợi. Phải chăng tâm nguyện của ngài đã linh ứng?
Khi ngọn lửa tự thiêu tắt hẳn, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp và đồng đạo lấy cờ Phật quấn thi hài Bồ-tát Thích Quảng Đức. Tuy nhiên, lá cờ không thể bọc kín ngài được vì ngài ra đi trong tư thế tay chắp trước ngực, hai chân vẫn hơi co lại như đang ngồi thiền.
Lúc này, tiếng khóc của các Tăng Ni và dân chúng át cả tiếng ồn ào, la hét của lực lượng cảnh sát. Đám rước thi hài ngài về chùa Xá Lợi đã kéo theo một đoàn Tăng Ni, Phật tử và dân chúng dài hàng cây số. Họ tiễn đưa một Bồ-tát đã cung hiến thân mình cho đạo pháp và hòa bình dân tộc.
Ông Tống Hồ Cầm vẫn nhớ như in sự kiện xúc động này: “Lúc đó tôi khóc và có cảm giác như cả Sài Gòn đã khóc tiễn đưa ngài. Không chỉ đoàn người rước thi hài mà cư dân ven đường cũng đổ ra vái lạy ngài. Rất nhiều người xúc động bật khóc, bất kể là tín đồ Phật giáo hay Thiên Chúa giáo…”.
Ông Cầm kể lúc đó ông đang làm phó ban quản trị chùa Xá Lợi nên chứng kiến cuộc tự thiêu từ đầu đến cuối.
Lúc thi hài Bồ-tát về đến cổng chùa Xá Lợi, cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền dù đã lớn tuổi và trải bao dâu bể thăng trầm cũng không nén nổi tiếng khóc xúc động. Cụ nằm ra đất, lăn mình theo thi hài Bồ-tát vào đến tận trong chùa.
Tang lễ Bồ-tát Thích Quảng Đức ở chùa Xá Lợi trở thành một sự kiện trọng đại của Sài Gòn trong những ngày giữa tháng 6-1963. Tăng Ni, Phật tử và dân chúng ở các địa phương nghe tin đã nhanh chóng về Sài Gòn để thắp hương tiễn biệt ngài lần cuối.
Lượng người đổ về chùa Xá Lợi càng lúc càng đông khiến lực lượng cảnh sát, mật vụ chính quyền Ngô Đình Diệm phải ra sức ngăn chặn nhằm giảm thiểu ý nghĩa linh thiêng và quy mô của tang lễ. Họ vây chặt vòng ngoài, ấn định số lượng giới hạn người được vào lễ tang. Thậm chí một số đối tượng giả dạng thương binh còn đến quấy rối, đe dọa Tăng Ni, Phật tử …
Đổ dầu vào lửa
Trong lúc đó ở phủ tổng thống, Ngô Đình Diệm cũng có phần hoảng sợ trước hành động tự thiêu này. Ông ta phải cử một chuyến bay đặc biệt ra Huế đón Đức Tăng thống Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, các Hòa thượng Trí Quang, Thiện Minh, Mật Nguyện, Huyền Quang vào Sài Gòn. Một Ủy ban Liên bộ của chính quyền cũng được thành lập để thương thuyết với phái đoàn Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo VN.
Hòa thượng Thích Đức Nghiệp kể lúc đó tham gia cuộc thương thuyết trong vai trò thư ký phái đoàn Phật giáo, còn Hòa thượng Thích Thiện Minh làm trưởng đoàn. Lúc ra hành lang tạm nghỉ, chính phó tổng thống Trần Ngọc Thơ đã gặp riêng Hòa thượng Đức Nghiệp để nói: “Các ông đã làm chúng tôi thở ra khói”.
Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ hai bên này cũng chỉ là bài hòa hoãn tạm thời của ông Diệm. Sự đàn áp Phật giáo vẫn tiếp diễn. Bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu, tiếp tục đổ dầu vào lửa khi tuyên bố “một nhà sư đã bị nướng sống” và xuyên tạc rằng Bồ-tát Thích Quảng Đức đã bị các nhà sư trẻ chích thuốc mê. Thậm chí bà ta còn nói nếu các nhà sư tự thiêu có thiếu xăng thì bà ta sẽ cho thêm xăng.
Những câu nói hàm hồ của vị phu nhân trong phủ tổng thống đã đẩy mâu thuẫn giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm càng gay gắt hơn.
Trong một cuộc họp báo, có phóng viên quốc tế không kịp chứng kiến vụ tự thiêu đã hỏi Hòa thượng Đức Nghiệp cho ý kiến về lời xuyên tạc trắng trợn của bà Trần Lệ Xuân. Hòa thượng điềm tĩnh trả lời: “Sự thật cuộc tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức xin các anh hãy hỏi chính đồng nghiệp là phóng viên Malcolm Browne của AP, Simon Michaud của AFP và các nhà báo có mặt trong buổi tự thiêu. Họ chính là các nhân chứng tận mắt”.
Và khi các nhà báo này đứng lên xác nhận sự thật, tất cả mọi người trong khán phòng họp báo thẫn thờ xúc động.
Tường thuật trên tờ New York Times, nhà báo David Halberstam, nhân chứng cuộc tự thiêu, xúc động kể: “… Ngọn lửa phát ra từ một con người. Thân thể ông cháy héo khô dần và teo nhăn lại, đầu ông đen dần và hóa than… Khi cháy, ông không hề cử động một cơ bắp nào, không hề bật ra một âm thanh nào. Sự điềm tĩnh của ông thật trái ngược với những người đang rền rĩ khóc than xung quanh”.
Sau này, Hòa thượng Đức Nghiệp kể lại chính ông đã báo tin cho các nhà báo quốc tế trong đêm trước buổi sáng Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu. “Để giữ bí mật cuộc tự thiêu và đề phòng chính quyền ngăn chặn, tôi không thể nói thẳng việc tự thiêu mà chỉ hé lộ sẽ có sự kiện đặc biệt liên quan đến Phật giáo Sài Gòn. Thậm chí có nhà báo còn hỏi lại tôi sự kiện này có gì thật sự đặc biệt hay chỉ giống những cuộc biểu tình ôn hòa trước đây”- Hòa thượng Thích Đức Nghiệp nhớ lại chi tiết.
Ở bên ngoài, chính ông Nguyễn Văn Thông, mật vụ theo dõi hoạt động đấu tranh của Phật giáo và chứng kiến từ đầu đến cuối vụ tự thiêu, cũng công khai bác bỏ sự xuyên tạc Bồ-tát Thích Quảng Đức bị chích thuốc mê.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, ông vẫn xúc động khi nhớ lại: “Chúng tôi đã theo sát vụ tự thiêu này ngay từ đầu ở chùa Xá Lợi. Chính mắt tôi và các cảnh sát khác đều thấy ngài Thích Quảng Đức khoan thai bước xuống xe, quay mặt xá tứ phương, rồi ngồi kiết già trước khi chính tay mình châm lửa tự thiêu. Những hành động bình thản của một nhà tu hành thượng đẳng như vậy không thể là người bị thuốc mê. Còn các nhà sư khác chỉ đứng vòng quanh tụng kinh cho ngài và ngăn chặn cảnh sát. Không có bàn tay nào tác động, xâm phạm đến hành động tự thiêu của ngài”.
Đặc biệt, khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, ông Thông đã đem những bức hình mình chụp cận cảnh Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu tặng Phật giáo Sài Gòn. Một loạt ảnh đầy đủ từ lúc lửa chưa bùng lên trên thân thể Bồ-tát Thích Quảng Đức đến lúc ngài ngã xuống. Đến lúc đó người ta mới chính thức biết có một người Việt nữa đã chụp hình được sự kiện thiêng liêng này ngoài nhà báo Malcolm Browne.
Và những tấm hình đó như một chứng nhân quan trọng cho hậu thế biết sự thật cuộc vị pháp thiêu thân!
—————————–
Nghe kể rằng hai lần đưa vào lò hỏa thiêu, nhưng ngọn lửa ngàn độ vẫn không thể đốt cháy trái tim xá lợi của ngài. Và trái tim bất tử này đã được bảo vệ như thế nào?
Kỳ cuối: Bí mật của trái tim linh thiêng
Quốc Việt (Nguồn: Tuổi trẻ Online)