Sám hối phát nguyện là một bài sám quen thuộc bậc nhất mà hầu hết những ai đi chùa cũng đều nằm lòng. Là một thể loại văn học đặc trưng của Phật giáo, “sám” được sử dụng trong các khóa lễ nhằm mục đích biểu đạt tâm nguyện của những người con Phật trước di ảnh hoặc hình tượng chư Phật, Bồ tát. Đặc biệt, người Phật tử Việt Nam đã sáng tác những bài sám mang ý nghĩa đặc trưng cho từng khóa lễ kỷ niệm quan trọng trong năm. Chẳng hạn, lễ Phật đản không thể thiếu bài sám Khánh đản, lễ Vu lan luôn luôn tụng bài sám Vu lan, lễ Thành đạo cũng có bài sám Thành đạo. Bên cạnh đó, các bài sám bao giờ cũng gắn liền với mục đích của khóa lễ. Lễ cầu an thì tụng sám cầu an, lễ cầu siêu phải tụng sám cầu siêu.
Do được cấu thành từ những ngôn từ chọn lọc, xếp theo vần điệu giúp dễ thuộc, dễ nhớ, các bài sám là những tâm ca gởi gắm tình cảm tôn giáo sâu lắng của người Phật tử. Nếu các bài sám Hán Việt thường được viết theo phong cách biền ngẫu hoặc tứ tự (bốn chữ một câu, một vế); thì những bài sám thuần Việt xuất hiện nhiều trong thể thơ tứ ngôn và ngũ ngôn trường thiên hoặc lục bát.
Bài Sám hối phát nguyện được viết bằng thể thơ tứ tuyệt phá cách trường thiên. Có thể phân bài sám thành ba đoạn. Mỗi đoạn mang một ý nghĩa khác nhau, nhưng cả ba đều hỗ trợ cho ý nghĩa toàn bài: thể hiện lòng thành sám hối tội lỗi của mình đã gây ra, đồng thời phát nguyện tu tập trước Tam bảo. Như vậy, chỉ có hai nội dung chủ yếu của bài sám: Sám hối lỗi lầm và Phát nguyện tu hành.
Toàn bộ bài sám gồm 30 câu, hầu hết các câu đều 4 chữ, 1 câu 5 chữ và 1 câu 7 chữ. Đoạn 1 gồm 6 câu đầu, mang ý nghĩa quy kính Tam bảo. Đoạn 2 từ câu 7 đến câu 25 là nội dung chính của bài sám, thể hiện tấm lòng thành sám hối và phát nguyện tu tập theo Phật pháp. Đoạn 3 gồm 5 câu cuối, mang âm hưởng hồi hướng và chia sẻ công đức.
Đoạn 1: Quy kính Tam bảo
Đệ tử kính lạy
Đức Phật Thích Ca,
Phật A Di Đà,
Thập phương chư Phật,
Vô thượng Phật pháp,
Cùng Thánh Hiền Tăng.
Hai chữ kính lạy thể hiện ý nghĩa quy kính của mỗi người con Phật. Hành động chắp tay kính lạy vừa thể hiện tấm lòng tôn kính, quy y Tam bảo, vừa nhằm mục đích chuyển hóa ý thức hữu ngã. Lục tổ Huệ Năng từng dạy:
“Ô lễ bổn chiết mạn tràng, đầu hề bất chí địa,
Hữu ngã tội tức sanh, vong công phước vô tỉ”.
Ý nghĩa sâu xa của hành vi lễ lạy các bậc tôn kính là bẻ gãy ngọn cờ kiêu mạn. Do đó, khi lạy Phật, chúng ta cần cúi đầu sát đất để thể hiện trọn vẹn ý nghĩa lời bài sám. Khi ý thức hữu ngã có mặt, ngay lúc đó, tội lỗi đã hiện hữu. Cũng y như thế, bao lâu ý thức vô ngã xuất hiện, thì bấy giờ công đức mới hiển lộ. Trước khi muốn bộc bạch sám hối lỗi lầm, chúng ta cần đảnh lễ Tam bảo. Muốn đảnh lễ Tam bảo, phải ý thức chuyển hóa tư duy hữu ngã, đặc biệt phải giảm trừ tính kiêu mạn. Đó là tinh thần tu tập đầu tiên của bài sám.
Trong khi đệ tử là chủ thể sám hối và phát nguyện (câu 1); thì Tam bảo là đối tượng lắng nghe và chứng minh hành động của chúng ta (câu 2-6). Tam bảo gồm Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Trong bài sám, Phật bảo gồm Phật Thích Ca và Phật Di Đà (câu 3,4); Pháp bảo là Vô thượng Phật pháp (câu 5) và Tăng bảo gồm Thánh Hiền Tăng (câu 6). Số lượng chư Phật rất nhiều và ở khắp 10 phương, nhưng ở đây chỉ đơn cử hai vị tiêu biểu và liên hệ nhất với chúng sanh trong cõi Sa bà này mà thôi. Đó là Phật Thích Ca – vị Phật Bổn Sư của chúng ta, và Phật A Di Đà – vị Phật giáo chủ thế giới Cực lạc ở phương Tây. Trong hai vị Phật này, Phật Thích Ca chỉ dạy giáo pháp để chúng ta tu hành trong đời hiện tại; Phật Di Đà tiếp dẫn chúng ta ở đời vị lai. Đối với Phật tử Việt Nam , đây là hai vị Phật gần gũi nhất nên phải được nêu ra. Giới thiệu Đức Thích Ca trước, nhằm gián tiếp khuyên chúng ta thực hành Nhẫn nhục; nêu danh ngài Di Đà sau, để nhắc nhở chúng ta tu tập pháp môn Tịnh độ. Đó là tinh thần tu tập thứ hai mà bài sám muốn gởi gắm.
Sau khi đảnh lễ Phật bảo, kế tiếp là ca ngợi Pháp bảo: vô thượng Phật pháp. Không gì quý báu hơn những giáo lý Đức Phật đã dạy nên gọi là “vô thượng” – không có gì hơn nữa, tuyệt đỉnh. Lý do vì sao Phật pháp vô thượng thì ngay trong bài sám đã nêu. Đó là vì, Phật pháp rất nhiệm mầu (pháp Phật nhiệm mầu), có công năng khai mở kho giác tánh sáng suốt (minh tâm kiến tánh), phát huy trí tuệ trong sáng và sắc bén để chuyển hóa phiền não (trí tuệ sáng suốt), giúp chúng sanh thoát khỏi luân hồi (để mau ra khỏi luân hồi) và chứng đắc các loại thần thông để cứu độ người khác (thần thông tự tại). Pháp bảo bao gồm ba tạng kinh luật luận, thâu tóm trong Tứ diệu đế và không ngoài Giới – Định – Tuệ. Ca ngợi Pháp bảo không chỉ nhắc nhở chúng ta siêng năng học hỏi kinh luật luận, mà còn nỗ lực thực hành những pháp môn tu tập được Đức Phật chỉ dạy trong đó. Thực hành Chánh pháp mới là sự ca ngợi Pháp bảo chơn chánh và ý nghĩa nhất. Chỉ khi nào thực hành Pháp bảo mới có thể nhận thức trọn vẹn sự vi diệu, nếm trải mùi vị nhiệm mầu và tính chất Vô thượng của Phật pháp. Không thực hành Pháp bảo mà chỉ ca ngợi suông, đó không phải là hành động sám hối phát nguyện của người Phật tử. Đây là tinh thần tu tập thứ ba chúng ta cần ghi nhận.
Đức Phật đã nhập diệt gần 3.000 năm, kho tàng Chánh pháp thiên kinh vạn quyển, bao la rộng lớn, Phật tử tại gia thế duyên ràng buộc, làm sao biết rõ để thực hành? Ai đảm trách nhiệm vụ đại diện Phật bảo thực hành Pháp bảo giữa trần gian vàng thau lẫn lộn này? Chư Tăng gánh vác trách nhiệm cao quý ấy: đại diện Phật tuyên dương Chánh pháp. Vì thế, sau khi ca ngợi Pháp bảo, phải tiếp tục xưng tán Tăng bảo (cùng Thánh Hiền Tăng). Tuy lời sám chỉ nhắc đến Thánh tăng và Hiền tăng nhưng trong ấy vẫn bao gồm Phàm tăng. Cần biết rằng, Tăng ở đây chỉ đoàn thể Tăng già, bản thể thanh tịnh hòa hợp của Tăng, chứ không phải cá nhân một vị tu sĩ. Phật tử tại gia đảnh lễ Tăng không chỉ thể hiện lòng tôn kính bậc thầy trao truyền giới thân huệ mạng cho mình, mà còn đánh thức ước muốn xuất ly gia đình thế tục đầy phiền não để gia nhập nếp sống xuất gia thanh tịnh. Đây là tinh thần tu tập thứ tư mà mỗi Phật tử phải luôn ôm ấp trong lòng.
Sau khi đảnh lễ Tam bảo – nơi nương tựa vững chắc trong biển khổ luân hồi – việc chính của chúng ta là sám hối và phát nguyện. Do đó, đoạn 2 gồm hai nội dung chủ yếu: Bộc bạch sám hối (câu 7-13) và Chí thành phát nguyện (14-25).
Đoạn 2: Sám hối và phát nguyện
A. Bộc bạch sám hối:
Đệ tử lâu đời lâu kiếp,
Nghiệp chướng nặng nề,
Tham, giận, kiêu căng,
Si mê lầm lạc,
Ngày nay nhờ Phật,
Biết sự lỗi lầm,
Thành tâm sám hối.
Kinh Thủy Sám ghi rằng: Sám hối vốn là từ bỏ quá khứ, tu tỉnh tương lai, triệt hạ điều ác, xây dựng điều lành. Do vậy, sám hối là sanh tâm hổ thẹn với những tội lỗi đã gây ra cho bản thân và tha nhân trong quá khứ; đồng thời tẩy rửa lòng dạ, hiện tại quyết không làm lại những lỗi lầm đã phạm. Đối với phàm phu, hình thái tội lỗi được gây là từ rất lâu, tuy là vô lượng (lâu đời lâu kiếp) nhưng không ngoài ba thứ là phiền não chướng, ác nghiệp chướng và khổ báo chướng. Vì chúng làm trở ngại tuệ giác của các vị Thánh giả, ngăn cản quả báo tốt đẹp ở nhân gian nên gọi là ba chướng. Chính bất thiện nghiệp là nguyên nhân gây ra những bất hạnh, những nghịch cảnh trong đời hiện tại nên gọi nghiệp chướng nặng nê. Nghiệp chướng nhiều không những về số lượng; mà còn nghiêm trọng về tính chất. Câu 8, 9, và 10 bao hàm tất cả phiền não, ác nghiệp và khổ báo chướng. Tham lam, sân giận, ngã mạn, ngu si (tham, giận, kiêu căng, si mê) – những phiền não căn bản. Thân bất tịnh cho là sạch sẽ, cuộc đời vô thường cho là thường, thỏa mãn cảm thọ giác quan là khổ mà vọng tưởng cho là vui, đó là những bằng chứng của lầm lạc – nguyên nhân tạo ra quả báo đau khổ.
Nhờ đâu chúng ta biết sát sanh là tạo tội, trộm cắp là gây ác nghiệp? Nhờ Phật, nhờ những giáo lý chư Phật chư Tổ đã dạy trong kinh luật luận. Thế là, nhờ Phật mà chúng ta biết cải vãng tu lai, từ bỏ chỗ tối, bước ra chỗ sáng, nên nói ngày nay nhờ Phật, biết sự lỗi lầm. Nhờ Phật chỉ là cách nói khiêm tốn. Thật ra, phải nói là nhờ chính chúng ta. Nhờ chúng ta siêng năng học hỏi và thực hành Phật pháp nên nhận thức được thiện-ác, khổ-lạc, sáng-tối, ràng buộc-giải thoát. Biết sự lỗi lầm đồng nghĩa với việc thấy rõ những tội lỗi mình đã tạo ra do phiền não, ác nghiệp và khổ báo. Thấy rõ rằng ta đang có rất nhiều hạn chế trong tâm thức và hành động. Tâm thì tham lam, cố chấp; hành động thì vội vàng, khinh suất. Khi quỳ trước đài sen sám hối, chúng ta phải kiểm điểm lại những hành vi bất thiện mà chúng ta đã gây ra. Kiểm điểm để nhận thức rõ nguyên nhân và động cơ nào, bằng hành động gì, ở đâu và lúc nào, khiến ta làm những hành động bất thiện. Đây mới gọi là thành tâm sám hối. Đó là tinh thần tu tập thứ năm.
Nếu không có sự phát nguyện sau đây thì sám hối chỉ là sự hồi tưởng và gặm nhấm ác nghiệp. Nhờ lòng chí thành phát nguyện, chúng ta mới có thể sửa chữa lỗi lầm, thay đổi tập quán xấu, bỏ ác làm lành, tu thân hành thiện, chuyển hóa khổ báo. Do đó, phát nguyện rất quan trọng trong quá trình sám hối.
B. Chí thành phát nguyện:
Thề tránh điều dữ,
Nguyện làm việc lành,
Ngưỡng trông ơn Phật,
Từ bi gia hộ:
Thân không tật bệnh,
Tâm không phiền não,
Hàng ngày an vui tu tập.
Pháp Phật nhiệm mầu,
Để mau ra khỏi luân hồi,
Minh tâm kiến tánh,
Trí tuệ sáng suốt,
Thần thông tự tại.
Hai chữ thề và nguyện thể hiện quyết tâm sám hối. Quyết tâm ấy phải được nuôi dưỡng, un đúc mạnh mẽ không chỉ khi đối diện với Tam bảo, mà cần hoạt dụng thường trực tại mọi hành vi sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Một số người chỉ mạnh dạn thề nguyện khi hành lễ, nhưng khi ra khỏi chùa, họ liền quên ngay. Họ vẫn sống theo dòng đời thế tục với nhiều mưu toan, giành giật. Các Phật tử phải lưu ý điều này, vì ở đó tiềm ẩn tinh thần tu tập thứ sáu của bài sám: nuôi dưỡng thề nguyện. Thề và nguyện không chỉ bằng lời nói, mà phải bằng hành động. Nhớ lời thề để biết dừng tay đúng lúc khi tâm nghĩ ác; không quên lời nguyện để tích cực hành thiện mọi lúc mọi nơi.
Chí thành phát nguyện chỉ có hai việc nhưng hành trì suốt đời không hết: bỏ ác và làm lành (tránh điều dữ, làm việc lành). Chư Phật không dạy gì ngoài hai nội dung ấy: Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo. Từ bỏ tham giận kiêu căng, si mê là tránh điều dữ; thực tập buông xả, từ bi, khiêm nhường, trí tuệ là làm việc lành. Không vi phạm những giới luật Phật chế là tránh dữ, nỗ lực thực hành thập thiện là làm lành. Đây là tinh thần tu tập thứ bảy, tinh thần nổi bật nhất của bài sám. Nhờ sự bỏ ác làm lành mà chúng ta chuyển hóa được nghiệp chướng nặng nê trở thành nhẹ nhàng, đền đáp công ơn chư Phật và mới mong được sự gia hộ của Long thần Hộ pháp (ngưỡng trông ơn Phật, từ bi gia hô).
Kết quả tất yếu của sự tránh dữ và làm lành là mang lại đời sống hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần (thân không bệnh tật, tâm không phiền não, hàng ngày an vui tu tập). Đừng chờ đợi sự gia hộ của chư Phật khi chúng ta cố tình làm ác. Lúc làm thiện, chính chúng ta đã giúp chúng ta. Do đó, chính chúng ta gia hộ cho chúng ta, chính luật nhân quả hộ trì chúng ta. Miệng cầu Phật phù hộ, tay vẫn cầm dao sát sanh, đừng than trách khổ báo đoanh vây, chướng duyên tràn đầy. Hai câu thứ 18, 19 chỉ ra mối liên hệ giữa thân và tâm. Thân khỏe mạnh thì tinh thần mới tỉnh táo, tu hành mới hiệu quả. Thân tật bệnh vì làm nghiệp ác. Mong ước thân khỏe mạnh (không tật bệnh) để thường vun bồi phước đức bằng cách bố thí cúng dường. Tâm phiền não vì chưa từ bỏ tham lam, sân hận, kiêu căng, chấp ngã. Cầu nguyện tâm an lạc (không phiền não) để mài giũa gươm bén trí tuệ thông qua thiền định quán tưởng. Tu hành phải được thực hiện cả thân và tâm, tư tưởng và hành động, lời nói đến việc làm. Đó là tinh thần tu tập thứ tám.
Hàng ngày thực hành lời Phật dạy, chúng ta mới thể nghiệm sự nhiệm mầu của Phật pháp (Pháp Phật nhiệm mầu). Ý nghĩa sâu xa, lợi ích thiết thực và tác dụng cơ bản của sự nhiệm mầu ấy được liệt kê trong 4 câu tiếp theo, câu 22-25 (mau ra khỏi luân hồi, minh tâm kiến tánh, trí tuệ sáng suốt, thần thông tự tại). Ra khỏi luân hồi là nội tâm triệt để không còn tham lam, sân hận, si mê – tam độc. Minh tâm kiến tánh, dụng ngữ Thiền tông, để thấy rõ chúng ta là Phật tương lai. Trí tuệ sáng suốt mới có thể hủy diệt tận gốc mọi thứ phiền não. Thần thông tự tại là phương tiện hiệu quả để hòa quang đồng trần, cứu nhân độ thế. Mục đích cuộc đời tu hành của chúng ta nằm trọn trong bốn câu ấy. Chuyển hóa nội tâm, phát huy trí tuệ, đoạn trừ phiền não, thoát ly ba cõi, đó là những việc cần làm, và làm được, của người Phật tử. Toàn bộ quá trình tu tập Phật giáo gói gọn trong tinh thần tu tập thứ chín này.
– Hàng ngày an vui tu tập là tự lợi. Khi bản thân đã được tắm mát trong vị ngọt Phật pháp rồi, người tu hành biết chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người. Đó là phương pháp hồi hướng mang tính chất lợi tha, được đúc kết trong đoạn 3 sau đây:
Đoạn 3: Hồi hướng công đức
Đặng cứu độ các bậc tôn trưởng,
Cha mẹ anh em,
Thân bằng quyến thuộc,
Cùng tất cả chúng sinh,
Đồng thành Phật đạo.
Cứu độ nghĩa là hồi hướng, chia sẻ những phương pháp tu tập mang đến an lạc mà mình đã thực hành để giúp người khác vơi bớt khổ đau. Chỉ khi nào sở hữu niềm vui bên trong, chúng ta mới có thể cứu độ tha nhân. Do đó, cứu đô (cứu giúp và hóa độ) là giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn, gợi mở, hướng dẫn. Quý vị Tăng Ni chia sẻ hiểu biết Phật pháp đến các Phật tử; thầy gợi mở cách thức hóa giải sân hận thù oán cho trò; cha hướng dẫn phương pháp tu tập cho con, đó gọi là cứu độ. Cứu độ gần thì cha mẹ, anh em, bà con, thầy bạn; cứu độ xa thì mọi loài quanh ta, hết thảy chúng sanh. Khi cứu độ được hiểu là hồi hướng, thì đối tượng cứu độ không chỉ có người sống mà bao hàm cả người đã khuất. Đệ tử tu hành thanh tịnh để tiếp nối chí hướng của thầy, con cái thiết lập trai đàn hồi hướng công đức cho cha mẹ, bà con quá vãng, đó cũng gọi là cứu độ. Cứu độ gần/dễ/trên/sống trước; xa/khó/dưới/chết sau. Ở đây toát lên tinh thần tu tập thứ mười mà bài sám giới thiệu: hồi hướng công đức và lợi tha.
Các bậc tôn trưởng là cha mẹ, thầy tổ, những người đáng tôn kính và lớn tuổi hơn hành giả. Tất cả chúng sanh gồm các loài hữu tình vô tình, cùng loài khác loài (loài người, loài vật). Nói cứu độ tất cả chúng sanh nhằm khuyến khích chúng ta mở rộng cõi lòng vô cùng trong thời gian, vô tận với không gian để tự giác, giác tha. Thành Phật đạo nghĩa là vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, tâm đã minh, tánh đã kiến, trí cực kỳ sáng suốt, tự tại tuyệt đối với tâm, tự tại với cảnh, tự tại với các pháp. Thành Phật đạo – tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, chỉ cách nói khác để nhắc lại mục đích tu hành đã được nêu trong 4 câu từ 22-25 mà thôi.
Tội từ tâm khởi thì đem tâm sám. Khi tâm thanh tịnh thì tội ấy tiêu tan. Do đó, sám hối chân thật là phơi trải tim gan, bộc bạch sám hối tự đáy lòng (tự tánh trung sám hối – chữ của Lục tổ Huệ Năng). Tội do nhân duyên phát sinh (tham, sân, si) thì cũng do nhân duyên (sám hối phát nguyện và tu thân hành thiện) mà tiêu diệt. Tội diệt thì phước sanh, căn lành tăng trưởng, nghiệp chướng tiêu trừ, tu hành thuận lợi, mau chóng giác ngộ. Bài sám tuy chỉ 30 câu, nhưng ẩn chứa không ít tinh thần tu tập. Trong đó, căn bản là tránh điều dữ và làm việc lành (tinh thần thứ bảy). Mong rằng, mỗi lần quỳ trước đài sen và chí thành ngân khúc tâm ca, hòa theo tiếng mõ trầm bổng du dương, chúng ta hãy lắng đọng tâm tư, quán chiếu bản thân mình. Quán chiếu để nỗ lực từ bỏ việc ác quá khứ, khắc sâu thêm lời thệ nguyện đã phát và dũng mãnh thực hành thiện nghiệp trong hiện tại, theo một số tinh thần tu tập được gợi mở trong bài Sám hối phát nguyện này.
Thích Chánh Trí
(Nguồn: phatgiao.org.vn)